Trịnh Nam Trân được độc giả biết đến qua các tập thơ Em đang giấu gì vậy? Cho tôi xem được không?; Năm thương, tháng nhớ, không ngày gửi đi;Sao em buồn đến thếvà blog cá nhân Tiệm sách hoa cúc. Cô từng làm việc trong các lĩnh vực thời trang, quảng cáo, truyền thông - báo chí. Hiện nay, Trịnh Nam Trân viết bài cộng tác cho các trang báo, tạp chí ở mảng sách và đời sống - công việc "phù hợp nhất với niềm vui, niềm yêu thích dành cho văn chương của tôi".
Hai năm gần đây, Trịnh Nam Trân lại "dấn thân" vào một công việc hoàn toàn mới: làm mẹ. Do đó, lịch trình dành cho đọc sách và viết lách cô phải tranh thủ sít sao đến từng phút: những giờ hành chính gần như dành hoàn toàn cho công việc nhà và việc chơi với con, thời gian cho việc cá nhân là giấc trưa, là tối muộn.
Chia sẻ về việc "nuôi dưỡng con thành một độc giả", cô tâm sự rằng mình muốn cho con thấy sách là một hoạt động để vui thay vì để học: "Khi con thấy đọc sách là điều tự nhiên thì con sẽ không thấy áp lực phải đọc, và khi con luôn tò mò vì biết trong từng trang sách là biết bao điều bất ngờ thì con sẽ tự nôn nao tìm sách và đọc sách". Do đó, cô luôn cho con làm quen với hình ảnh mình cầm sách đọc, để thấy đó là hành động rất đỗi... bình thường.
Trong cuộc phỏng vấn với Tri thức - Znews, bên cạnh câu chuyện hậu trường của một người mẹ trẻ làm việc tại nhà như trên, Trịnh Nam Trân trải lòng về những cuốn sách chị tâm đắc từ thuở nhỏ đến tận bây giờ.
'Tình yêu với quyển sách đầu đời vô cùng quan trọng'
- Cuốn sách yêu thích của tôi thuở ấu thơ
- Cánh buồm đỏ thắm - Aleksandr Stepanovich Grinevsky.
Câu chuyện không nói đến lòng tin trong cuộc sống, cũng không phải niềm tin vào tình yêu. Mà là lòng tin vào điều mình tin. Giờ đây thi thoảng tôi vẫn hay thường nghĩ về việc cô bé Assol luôn có một niềm tin mãnh liệt vào việc người yêu của cô sẽ đến đón cô, trên một chiếc thuyền với những cánh buồm đỏ thắm và họ sẽ hạnh phúc bên nhau.
Không ai thậm chí ngay cả cô cũng không biết rằng điều đó có xảy ra hay không. Nhưng nhờ vào niềm tin mãnh liệt và chắc chắn đó mà Assol đã tìm được cho mình động lực để vượt qua mọi thứ tủi hờn, khó nhọc. Cô cũng tìm được cho mình niềm vui lẫn hạnh phúc khi mỗi buổi sáng có lý do để cô tiếp tục thức dậy. Dù hôm đó có nhận về thất vọng ê chề nhưng có sao đâu vì mình còn ngày mai.
"Đó là phải tự tay mình tạo ra những thứ gọi là kì diệu".
Tôi cứ nhớ mãi câu này trong sách. Nó theo tôi tới tận khi trưởng thành. Tất nhiên, có lúc tôi quên đi. Nhưng bằng cách nào đó tôi luôn tìm lại được. Có thể nói tình yêu với quyển sách đầu đời vô cùng quan trọng. Nó không những định hình nên phong cách đọc, mà còn cả tâm hồn.
- Cuốn sách đã ảnh hưởng nhiều đến tôi trong độ tuổi niên thiếu
- Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCulough, Đồi gió hú - Emily Brontë, Đèn không hắt bóng - Junichi Watanabe, Giết con chim nhại - Harper Lee, Tình yêu thời thổ tả - Gabriel García Márquez.
Tôi đã cố gắng tìm ra điểm chung của những quyển sách kể trên. Dường như điểm chung rõ nét nhất đó là các nhân vật chính đều khá… cuồng loạn. Có kẻ thì cuồng loạn vì tình yêu, có kẻ cuồng loạn vì lý tưởng, cũng có kẻ cuồng loạn vì chính cái tôi của mình.
Có thể thấy thời mới lớn tôi thường có xu hướng tìm đến những câu chuyện mang chiều hướng “chiến đấu quên mình”, dù cho biết rõ mình có thể thua cuộc trong những cuộc chiến ấy, nhưng bản thân vẫn chọn ngông cuồng và nổi loạn với những gì mình theo đuổi.
Tôi đoán câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên chính là tiền đề cho điều này .
“Không phải chúng ta biết ngay từ đầu sẽ thất bại mà chúng ta không cố gắng"- Một đoạn thoại mà nhân vật bố Atticus đã nói thế trong Giết con chim nhại. Và đúng, tôi vẫn luôn thường có xu hướng sống theo cách này.
- Cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần
- Gatsby vĩ đại - F. Scott Fitzgerald, Cuộc đời của Pi - Yann Martel, Người xa lạ - Albert Camus, Hội hè miên man - Ernest Hemingway, Thần khúc - Dante.
Đây đều là những quyển sách mà mỗi lần đọc lại tôi cảm giác mình lại tìm ra được một cái gì đó lấp lánh. Một hạt bụi nhỏ li ti thôi, nhưng nó làm tôi thích thú. Đôi khi việc đọc lại những cuốn sách nó có cái thú như thế.
Vì như bạn biết đấy, thời gian thì ít ỏi mà sách hay trên đời có quá nhiều, đọc lại nghĩa là ta đã hy sinh thời gian để đắm chìm trong một câu chuyện mới mẻ để lội ngược dòng đi về quá khứ (theo cách nói trong Gatsby), nhưng cái thú ở đây là cái hào hứng và tim hẫng một nhịp khi phát hiện ra một điều gì đó mà lần trước ta bỏ sót. Có khi chỉ là một câu thoại, có lúc nó còn bé tới mức là một chi tiết của cái liếc mắng, cái thở dài, cái chau mày, chỉ bâý nhiêu thôi cũng có thể làm vỡ ra trong ta biết bao điều.
- Cuốn sách đã thách thức tư duy, thế giới quan của tôi
- Hoàng tử bé - Antoine de Saint-Exupéry. Quyển sách thử thách tôi làm cách nào để đọc nó bằng tâm hồn của một đứa trẻ nhưng hiểu như một người lớn.
Moby Dick - Herman Melville. Bạn thử tưởng tượng bạn sẽ phải đọc một loạt chương chỉ để phân loại cá voi, cách đâm cá, cách lấy mỡ cá, nhưng bạn vẫn phải đọc. Thật ra, tôi nghĩ điều này thiên về cảm nhận cá nhân, vì khi đọc những chương này, không bỏ sót câu nào, chữ nào, tôi mới cảm nhận được rõ cái bức bối của thuỷ thủ khi ra khơi và hàng tuần, hàng tháng, trước mặt họ không có gì ngoài sóng biển.
Nếu như tôi cũng như họ, liệu tôi còn gì khác để làm ngoài việc nghĩ về những kẻ mình săn đuổi? Tôi phải làm gì để giữ mình không hóa điên? Tôi nghĩ trải nghiệm đọc Moby Dicklà một trải nghiệm hóa thân đích thực và kỳ diệu, một trải nghiệm chỉ dành cho những ai kiên nhẫn trước văn chương, tôi nghĩ thế.
Người đọc - Bernhard Schlink. Một sự thách thức khiến ta suy ngẫm về định nghĩa đạo đức. Tới tận bây giờ tôi vẫn chưa bao giờ dám tự tin trả lời câu hỏi của chính mình tự đề ra, rằng Hanah có thật sự có tội hay không. Tôi đọc quyển này cách đây lâu lắm rồi, chắc gần cả thập kỷ, ấy thế mà tôi vẫn chưa bao giờ dám trả lời. Vì thế nó thúc đẩy tôi đọc thêm nhiều nữa để biết đâu ngày nào đó tôi… vỡ ra.
Trăm năm cô đơn - Gabriel García Márquez. Quá nhiều thứ để ta soi chiếu, suy tư và nghiền ngẫm trong quyển sách này. Quyển này lẽ ra tôi nên trả lời cho câu các quyển sách hay đọc lại, nhưng suy cho cùng bản thân Trăm năm cô đơnđã là một kho báu rồi. Ai tìm đến và say sưa đọc quyển sách này là đã có cho mình một kho báu, cùng tất cả thứ bụi tiên, hạt châu sa của nó.
- Tác giả đã truyền cảm hứng cho tôi viết lách, sáng tác
|
Trịnh Nam Trân luôn cho con thỏa thích tương tác với sách. Ảnh: NVCC. |
Raymond Carver vớiEm làm ơn im đi có được không?, Ray Bradbury với451 Độ F vàNgười minh họa, Italo Calvino vớiNếu một đêm đông có người lữ khách.
Mặc dù rất yêu thích các tác phẩm của Haruki Murakami nhưng chính ba nhà văn trên mới là người làm tôi muốn trở thành một tác giả, muốn được kể những câu chuyện thoát ra khỏi cái hình thức hiện thực.
Raymond Carver thì quá nổi tiếng với những truyện ngắn xoáy vào nội tâm của nhân vật rồi. Cái xoáy ấy của Raymond Carver có thể khiến người ta run sợ khi phải nhìn lại chính mình, soi chiếu lại nội tâm của mình.
Còn Italo Calvino và Ray Bradbury thì lại mang đến cách kể chuyện vô cùng độc đáo. Họ tạo dựng không chỉ một thế giới giả tưởng mà không khí nơi đó còn chân thực và đậm đặc đến nỗi hoàn toàn khiến tôi quên đi đâu mới là hiện thực mà mình đang đứng. Ba tác giả trên dường như dạy tôi một bài học rất lớn: các nhà văn họ sẽ có thể kể đi kể lại một câu chuyện, thậm chí kể trùng chuyện của nhau, nhưng cách họ truyền tải, cách họ dẫn dắt, quan trọng không kém với thông điệp mà họ muốn gửi gắm trong câu chuyện được kể.
'Đọc sách cũng phải có duyên mới tìm được'
- Cuốn sách có nhân vật đồng điệu với tôi
- Haruki Murakami nhưng mà là Haruki Murakami trong tự truyệnTôi nói gì khi nói về chạy bộ.
Có lẽ vì tôi cũng là người có xuất phát văn chương trễ. Tôi trước đây được biết đến như một người viết thơ. Bắt đầu từ giữa năm 2024 mới bắt đầu theo đuổi văn chương. Dù chưa nói được gì, tất cả vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi nhưng ít nhất tôi cũng đang bắt đầu “chạy”. Thế nên bản thân Haruki trong chính cuốn tự truyện này lại như một bậc tiền bối cho tôi rất nhiều lời khuyên và thậm chí an ủi.
“Ba mươi ba là tuổi tôi hồi ấy. Vẫn còn khá trẻ, dù không còn là một 'chàng trai trẻ' nữa. Cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fritzgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi ấy có thể coi là một giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia".
Trùng hợp là tôi sinh năm 1992, nghĩa là sắp 33 tuổi rồi, y như đoạn trích này vậy.
- Cuốn sách lần đầu đọc không "thấm", nhưng khi đọc lại tôi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn
- Vụ án vàLâu đài của Kafka.
Lần đầu tôi đọc Kafka là Hoá thân, có thể nói là tương đối “nhẹ” khi ta bàn về cái tên Franz Kafka này, nhưng sau đó thì Vụ án và Lâu đàithật sự là một mê cung tư duy và xúc cảm, khiến tôi phải đọc lại để hiểu rõ hơn, dù chỉ là trong suy đoán những gì được giấu trong từng con chữ.
Thật ra cũng không thể gọi là “thay đổi suy nghĩ”, vì lần đầu đọc tôi chỉ thấy choáng và mê man thôi chứ chả nghĩ được gì.
|
Tác giả Trịnh Nam Trân. Ảnh: NVCC. |
- Cuốn sách tôi không bao giờ có thể đọc thêm lần nữa
- Suối nguồn - Ayn Rand. Chính xác thì tôi đã đọc quyển này 2 lần. Một lần ở độ tuổi dưới 20 và một lần là vào năm 22.
Tôi nghĩ rằng mình đã làm một hành động hơi thô kệch đó là như thể tôi đã hau háu cầm quyển sách lên và dốc ngược để mọi thứ thượng vàng hạ cám trong ấy rơi ra cho bằng hết. Bạn có thể hình dung đến đoạn văn trong Cuộc đời của Pi, khi Yann Martel tả về việc cầm cả thành phố lên, lộn ngược và rung lắc nó để những con thú trong sở thú rơi hết ra. Tôi đã làm y như thế khi đọc Suối Nguồn, và tôi không khẳng định là nó tốt hay xấu nhé, tôi chỉ nói là hành động đó hơi thô kệch và tôi sẽ không đọc lại nữa.
- Cuốn sách mãi về sau này tôi mới "phát hiện"
- Faust - Johann Wolfgang von Goethe, Anh em nhà Karamazov - Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky, Anna Karenina - Lev Nikolayevich Tolstoy, Những huyền thoại - Roland Barthes.
Tôi tự thấy tức cười chính bản thân mình rằng vì sao tới giờ mới đọc ba tác phẩm được xem là kinh điển này, trong khi từ thời niên thiếu tôi đã rất thích đọc thể loại kinh điển rồi. Nhưng có lẽ cái gì cũng là cái duyên, đọc sách cũng phải có duyên mới tìm được, thế nên tôi không nghĩ nhiều mà chỉ tận hưởng việc đọc thôi. Và quả thật đúng như Henry Miller nói: “Hẳn bạn vẫn nhớ cái buổi chiều khi bạn lần đầu tiên đọc Dostoevsky.”
Những huyền thoại của Roland Barthes tôi đọc sau khi được đọc Đế chế ký hiệucủa ông. Nhưng tôi đặc biệt thích Những huyền thoạihơn dù là đọc sau, nên tôi chọn nói về tác phẩm này ở đây. Đọc Roland Barthes xong thì dường như ta không thể cứ vô tư vô tâm nhìn vạn vật như cũ nữa, mà bằng một cách vô thức ta sẽ đi “giải mã” cái mà sự vật này đang đưa ra ký hiệu. Tôi thấy khá hay ho, rất đáng đọc.
- Cuốn sách tôi đang đọc
- Tôi đang đọc Bruno Schulz, cụ thể là Những hiệu quếvà sắp tới là Dưỡng đường đồng hồ cát. Khá là thú vị đấy, nhưng có lẽ đợi đọc xong đã tôi mới dám chia sẻ nhiều.
Và sắp tới thì tôi nghĩ là mình sẽ tìm đọc thêm về các tác phẩm của Soren Kierkegaard và Voltaire, hai vị triết gia mà tôi rất thích, ngoài Albert Camus.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
">