Mệnh danh "vua cà phê",ệnhdanhquotvuacàphêquotTrungNguyênđứngthứmấyvềxuấtkhẩbitcoin Trung Nguyên đứng thứ mấy về xuất khẩu?
Thanh Thương(Dân trí) - Trong niên vụ cà phê 2023-2024, công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ xếp thứ 16 về xuất khẩu cà phê.
Niên vụ 2023-2024 thị trường cà phê Việt Nam và thế giới chứng kiến cơn bão giá chưa từng có, lập kỷ lục cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua. Điều này khiến sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước đó.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ này (kéo dài từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam xuất khẩu 1,46 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt gần 5,43 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng nhưng tăng 33,1% về giá trị so với niên vụ 2022-2023.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu khoảng 138.922 tấn cà phê với kim ngạch trên 526,84 triệu USD, tăng khoảng 36,1% về khối lượng và tăng khoảng 75,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vicofa, 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có kim ngạch trên 10 triệu USD trong giai đoạn 10/2023-9/2024 là Vĩnh Hiệp, Intimex Group, Louis Dreyfus, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Đắk Lắk, Nestlé Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Olam, Volcafe và Sucafina. Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với kim ngạch đạt hơn 520 triệu USD.
Đáng chú ý, được mệnh danh là "vua cà phê" nhưng Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên - Nhà máy cà phê Sài Gòn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ đứng thứ 16 với kim ngạch đạt hơn 114 triệu USD.
Riêng về xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này đạt hơn 9,3 triệu USD, đứng thứ 4 về xuất khẩu.
Trước đó, trong niên vụ 2022-2023, Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên - Nhà máy cà phê Sài Gòn cũng chỉ đứng thứ 4 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan lớn nhất Việt Nam với lượng cà phê xuất khẩu hơn 14.700 tấn, giá trị gần 74,6 triệu USD.
Hiệp hội đánh giá niên vụ cà phê 2023-2024 là một niên vụ có biến động giá cao và nhanh nhất trong các niên vụ cà phê từ trước đến nay. Nguồn hàng xuất khẩu đã thiếu từ cuối vụ 2022-2023 khiến giá tăng cao liên tục từ đầu vụ. Từ đầu tháng 9/2023 giá đã lên khoảng 63.000 đồng/kg. Thời điểm cao nhất trong niên vụ, giá cà phê đạt ở mức 125.000 đồng/kg.
"Vì vậy đây là một niên vụ gây nhiều khó khăn và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu", Vicofa đánh giá.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết theo ước tính trong tháng 9, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 5.469 USD/tấn, tăng 65,2% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 3.897 USD/tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Hãng tư vấn Hedgepoint dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil sẽ đạt 63 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với niên vụ trước. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Việt Nam ước tính khoảng 27 triệu bao, thấp hơn dự báo trước đó", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Thị trường cà phê toàn cầu có thể thâm hụt năm thứ 4 liên tiếp, do sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam và Brazil, đồng thời hãng này nhận định giá cà phê sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản trong thời gian tới.
Theo cơ quan quản lý, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Dù vậy, ngành hàng cà phê Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá.
"TheoBloomberg, giá cà phê Robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam. Còn theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê Robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cà phê của Việt Nam là 709.041ha. Tuy nhiên, những năm gần đây (trước 2022) giá cà phê xuống quá thấp nên người nông dân một số vùng đã chuyển đổi cây trồng sang sầu riêng và các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.