Dễ rối loạn hành vi Minh là con một trong gia đình khá giả, nghiện game từ lúc 7 tuổi. Năm 12 tuổi, em bị nghiện quá nặng, chơi đến khi mệt thì ăn, ăn xong lại chơi. Càng ngày Minh càng trở nên lặng lẽ, không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Sức khỏe của em giảm sút trầm trọng, người xanh xao, sống trầm lặng như chiếc bóng trong nhà. Em vừa được đưa vào bệnh viện Nhi TW điều trị. Hai trường hợp sau đây đều mới xảy ra tại TP.HCM: một bệnh nhân tên T. 17 tuổi đã vào nhà vệ sinh của một điểm kinh doanh Internet ở Q.1 cắt tay tự tử. Trước lúc đó, T chơi game liên tục suốt 20 giờ. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên K. 16 tuổi, ngụ ở Q.6 được đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, suy kiệt do chơi game quá nhiều. Sau 3 giờ được cứu chữa, K mới hồi phục. Theo BS Thu Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi TW, trẻ nghiện game online về lâu dài sẽ để lại những chấn thương về mặt tâm thần. Nhiều em có biểu hiện rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, bỏ nhà... Một số khác rơi vào trạng thái trầm cảm và các bệnh lý tâm căn bởi stress trường diễn do chứng nghiện game online mang lại, thậm chí có những em tìm cách tự hủy hoại bản thân. BS Minh cho biết, các triệu chứng nghiện game ban đầu dễ nhận thấy là: ngồi chơi game online hơn 5 giờ/ngày hoặc không có cảm giác về thời gian, không gian khi đang chơi. Luôn bị thôi thúc bởi các hình ảnh trong trò chơi, cố gắng giảm thiểu thời gian ngồi trước máy vi tính nhưng đều thất bại. Giấu gia đình hoặc người thân để thường xuyên chơi. Quên mất các sự kiện quan trọng hoặc không thực hiện đầy đủ các công việc không liên quan đến máy tính. Chăm chút cho nhân vật hơn là quan tâm đến bản thân và những người xung quanh, hầu như không có bạn bè và không muốn tham gia hoạt động xã hội. Khi tách khỏi game, phản ứng của họ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt. |