Trong buổi sáng 5/9,ảngđãthựcsựvìhọkqbd laliga nhiều nơi đã tổ chức khai giảng ngắn gọn, giảm phần lễ, tăng phần hội. Nhưng vẫn còn nhiều học sinh phải "gắp thăm" mới được có mặt.
Đã ngắn gọn
“Cũng có những nơi đâu đó vẫn máy móc, phần hội cứ phải là màn đồng diễn hoành tráng, học sinh tập luyện cho phần hội nhiều, tốn công sức. Nhưng nói chung, tôi thấy khai giảng năm nay thực sự có ý nghĩa” - cô Trần Thị Thuỳ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) bày tỏ.
Cô Dung phân tích: “Các em chỉ có một buổi tập dượt xếp hàng trước ngày khai giảng. Các em không phải lo sợ cô thầy mắng mỏ vì mất trật tự khi đại biểu đang phát biểu, không phải diễn các động lệnh khi có nhiều đại biểu đến chúc mừng… Giáo viên cũng rất vui, hông phải lo tập tành, sợ học sinh làm sai kịch bản, cô nào được chọn phát biểu lại lo ngay ngáy. Cán bộ quản lý không mất thời gia đầu tư làm, duyệt báo cáo”.
Khai giảng ở Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội. Ảnh: Ngân Anh |
Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, Ttrường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), câu hỏi mà những người làm quản lý cần đặt ra trong các hoạt động của nhà trường, không chỉ có ngày khai giảng, là “Mình làm việc này vì cái gì và dành cho ai?”.
“Nếu xác định là khai giảng vì học sinh, thì không chỉ là chuyện rút ngắn bài phát biểu, tặng cái nọ cái kia cho các em, mà còn từ việc che nắng che mưa cho các em, cho phụ huynh. Lãnh đạo không phát biểu chưa hẳn đã tốt, mà cứ nói với các em, với các thầy cô, nhưng đi thẳng vào vấn đề, không giáo điều, khô cứng”.
Ghi nhận việc rút ngắn thời lượng phần "lễ" xuống còn từ 1 giờ đến 1,5 giờ là một tiến bộ lớn trong chủ trương khai giảng của ngành giáo dục năm nay, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada (TP.HCM) nói thêm: “Thực ra là có tiến bộ theo kiểu của xứ mình. Nhưng dưới một góc nhìn khác, có thể nói rằng người lớn vẫn "lấy" đi mất một phần thời gian quý báu của trẻ thơ ở trường, nhất là vào những thời khắc nao nức trở lại việc học tập của các con ở đầu năm học!”.
Theo bà Oanh, các nghiên cứu khoa học cho thấy học sinh lứa tuổi Mầm non (4 - 5 tuổi) và Tiểu học (lớp 1 đến lớp 3) sẽ không thể tập trung ngồi một chỗ và nghe ai nói quá 20 phút.
Cũng giống như nhiều quan sát ở các nước phát triển như Mỹ, Phần Lan, Thụy Sỹ, Nhật Bản, bà Oanh cho hay, các trường phổ thông ở Canada không có lễ khai giảng năm học mới mà chỉ có "ngày đầu tiên đến trường". Lúc đó, toàn bộ giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường đều ra tận cổng, đứng đón chào học sinh để đưa các em về lớp. "Tuần đầu tiên đến trường", giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, làm quen cho học trò.
Nên tăng hoạt động chung
Một điểm nổi bật của khai giảng năm nay là có rất đông phụ huynh tới cùng dự với các con.
Anh Thanh Sơn (Hà Nội) có con học tại trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội nhận xét: “Vì khai giảng trùng với ngày nghỉ, lại biết rằng lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, nên đa phần phụ huynh đều ở lại dự rồi đưa con về luôn. Trước đây, đưa cháu lớn đi khai giảng, tôi thường thả cháu ở trường, rồi trưa quay lại đón. Vì vậy mà lâu lắm rồi, tôi mới dự lễ chào chờ ở trường học, rất xúc động”.
Không biết có phải vì chịu ảnh hưởng từ ký ức của những ngày khai giảng khi còn nhỏ không, anh Sơn thấy vẫn nên có một ngày tập trung đông toàn trường, chào đón bé trở lại và chào đón học sinh đầu cấp.
“Tôi rất thích cách các anh, chị lớp 2, 3 hô to “Anh chị chào các em” như ở trường này, nghe rất thân thiết”.
Chị Hoàng Mai Trang (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng đọc khá nhiều thông tin về ngày khai giảng ở các nước trên thế giới. Có nơi cũng chẳng có ngày khai giảng như mình. Nhưng mỗi nước có một kiểu, phù hợp với quan điểm giáo dục cũng như tính cách dân tộc”.
Nhưng người ta vẫn nói “nhập gia tuỳ tục”, “gia” của mình như thế nào, thì vẫn nên giữ “tục” như vậy, miễn là tục lệ đó còn đem lại niềm vui và có ý nghĩa đối với học sinh.
Vì vậy tôi nghĩ rằng vẫn nên có ngày khai giảng, nhưng ngắn, gọn hơn nữa ở phần diễn văn, phát biểu, đọc thư…Với phần hội, thay vì chỉ ngồi xem các bạn biểu diễn, nên tăng cường hoạt động tập thể, để tạo sự gắn kết”.
Vẫn có những học sinh đứng ngoài khai giảng
Trong ngày 5/9, vẫn còn những em “nằm nhà”, “ngủ tì tì” hoặc “hụt hẫng”.
Khai giảng ở Trường Tiểu học Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Vũ Đình Thành |
Một ông bố kể về cậu con trai mới bước vào đầu cấp học của mình đã phải ở nhà trong ngày khai trường, với lý do “phải có gắp thăm, mỗi lớp 10 bạn thôi”.
“Mà trường nghèo nàn, chật chội gì cho cam. Một ngôi trường lớn, rộng, phòng ốc, hội trường khang trang vào loại khá của Hà Nội...” – ông bố chia sẻ.
Một cô giáo ở TP.HCM, là giáo viên 15 năm cũng chia sẻ sự hụt hẫng của cô con gái bậc tiểu học sáng dậy háo hức đi khai giảng thì trường hồi âm với phụ huynh là “hết chỗ”.
Nhìn nhận về “nỗi buồn học sinh” này, một phụ huynh người Việt hiện đang sống ở nước ngoài, là nhà xã hội học, bày tỏ: “Có lẽ người quản lý chưa năng động trong cách tổ chức. Ngày đi học thì chả sao, cũng bằng ấy học sinh, không tự nhiên rớt xuống thêm em nào thế mà quản lý được, còn khai giảng thì không”.
Theo chị, những nơi phải học 2 ca – có quá nhiều lớp trong khi diện tích quá nhỏ nên không đủ chỗ tập trung cho các em cùng một lúc - thì lỗi tại tại lãnh đạo đã đồng ý cho xây trường với diện tích quá nhỏ, không có không gian cho học sinh vận động.
“Như vậy, đừng chỉ hỏi tại sao không phải em nào cũng được tới khai giảng, mà sẽ còn đừng hỏi tại sao học sinh Việt Nam thể chất yếu so với học sinh nước ngoài”.
Ngân Anh