"Sàn chiến" thương mại điện tử Việt Nam trước sự đổ bộ của Temu Thanh ThươngThứ bảy, 26/10/2024 - 11:19 (Dân trí) - Trước khi Temu đổ bộ vào thị trường Việt Nam, Shopee và TikTok Shop là 2 "ông lớn" thương mại điện tử dẫn đầu thị phần trong nước. Những cảnh báo về rủi ro của Temu liệu có thay đổi cục diện? Temu - "ông lớn" thương mại điện tử xuyên biên giới vừa vào Việt Nam đã tung ra những chiêu khuyến mại "khủng" lên đến 90%, trả hoa hồng đến 30% để tiếp cận người tiêu dùng Việt. Động thái này cho thấy làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc đang ngày càng càn quét rộng hơn nhằm chiếm lĩnh thị phần tại Đông Nam Á thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong khi người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận thêm nhiều nguồn hàng đa dạng với hàng loạt ưu đãi thì sự xuất hiện của "gã khổng lồ" từ Trung Quốc này đang tạo áp lực lớn cho các sàn thương mại đang hoạt động trong nước và các nhà bán lẻ.
TikTok Shop và Shopee chiếm lĩnh thị trường Việt
Trước khi Temu đổ bộ vào Việt Nam, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam là cuộc đua "đốt tiền" của 5 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop.
Tuy nhiên, Lazada, Tiki và Sendo dần tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua này. Trong quý III vừa qua, cả 3 sàn thương mại điện tử này đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt âm 70,5%; 32,1% và 65,3%, theo một số liệu được đưa ra gần đây.
Riêng với Lazada - sàn thương mại điện tử ngoại đầu tiên tại Việt Nam, sau cuộc đua "đốt tiền" đã có đợt cắt giảm lớn về quy mô nhân sự vào thời điểm đầu năm nay tại Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan hay Philippines. Theo DealStreetAsia , tính tới năm 2021, pháp nhân của Lazada Việt Nam là Công ty TNHH Recess ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 373,4 triệu USD.
Trong đó, TikTok Shop và Shopee đang là 2 "ông lớn" nắm đến hơn 90% thị phần tổng giá trị giao dịch hàng hóa. Riêng quý III, TikTok Shop và Shopee là 2 sàn thương mại điện tử lần lượt ghi nhận tăng trưởng 110,6% và 11,3% về doanh số so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, TikTok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Shopee vẫn giữ vững "ngôi vương" trước sự phát triển mạnh mẽ của "tân binh" TikTok Shop.
Một báo cáo của đơn vị nghiên cứu được công bố hồi tháng 8 cho thấy trong quý II, tổng giá trị giao dịch trên sàn thương mại điện tử Shopee đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.
Trong năm nay, để gia tăng thị phần, Shopee đã cập nhật chính sách đổi trả hàng, thời gian trả hàng và hoàn tiền trong 15 ngày. Shopee cũng cho phép người mua hủy đơn hàng ngay cả khi hàng đang vận chuyển.
Bên cạnh đó, "ông lớn" này cũng đẩy mạnh tính năng livestream để tập trung vào các danh mục hàng hóa như thời trang, sức khỏe, sắc đẹp và ra mắt các video ngắn nhằm cạnh tranh với đối thủ TikTok Shop - vốn mạnh về phương thức bán hàng "shoppertainment" - mua sắm kết hợp giải trí.
TikTok Shop cho phép người dùng xem video sản phẩm và mua hàng ngay tại đó. Điều này tạo ra một trải nghiệm mua sắm dễ dàng và tiện lợi, không giống như việc phải chuyển sang một website riêng biệt như các kênh bán hàng truyền thống.
Temu có đủ sức cạnh tranh khi vướng nghi vấn về rủi ro bảo mật thông tin?
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường khoảng 2 năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên thị trường hiện nay. Vào năm 2022, tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Temu chỉ 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB .
Mô hình kinh doanh của sàn này là kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc để đưa giá hàng hóa về mức thấp. Đáng chú ý, sàn này sở hữu những thế mạnh riêng nhờ sự hậu thuẫn của công ty mẹ PDD Holdings như chiến lược giá rẻ, miễn phí trả hàng trong 90 ngày, tiếp thị liên kết với hoa hồng hấp dẫn, mua sắm kết hợp giải trí...
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia trong ngành thương mại điện tử đánh giá việc sử dụng nền tảng này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng.
Trước hết là vấn đề bảo mật thông tin. Nhiều tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại về việc thu thập và bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng khi tải ứng dụng Temu. Chia sẻ trên chương trình truyền hình Sunrise , chuyên gia an ninh mạng Susan McLean ở Australia bày tỏ lo ngại về rủi ro quyền riêng tư đối với khách hàng khi mua sắm trên Temu.
Temu bị nhiều tổ chức cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật dữ liệu người dùng (Ảnh: Shutterstock).
McLean cho biết không khó để nhận ra Temu đang thu thập rất nhiều dữ liệu của khách hàng. "Mọi người chỉ tải ứng dụng xuống và nhấn vào "tôi chấp nhận" mà không hiểu họ thực sự đang chấp nhận điều gì", vị chuyên gia chia sẻ.
Bà cũng lưu ý việc khách hàng bị tấn công bởi các email theo dõi sau khi mua sắm trên Temu vì họ thường quảng cáo mua thêm sản phẩm và cảnh báo người dùng không nên nhấn vào các đường dẫn đó.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, CNBC đưa tin Mỹ đã cáo buộc ứng dụng mua sắm Temu có khả năng gây rủi ro dữ liệu sau khi Google gỡ bỏ ứng dụng Pinduoduo ra khỏi kho ứng dụng CH Play của hãng vì phát hiện thấy phiên bản ứng dụng này có chứa mã độc.
Trong báo cáo về các nền tảng "thời trang nhanh" của Trung Quốc được công bố vào tháng 4/2023, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cũng đã cáo buộc Temu và Shein gây ra rủi ro dữ liệu.
Bên cạnh vấn đề dữ liệu cá nhân, chất lượng sản phẩm bán trên Temu cũng là một rủi ro đối với người dùng khi mua hàng. Bởi, Temu bán nhiều sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau với giá cực kỳ cạnh tranh, do đó chất lượng của sản phẩm khó có thể đảm bảo. Một số người tiêu dùng đã phản ánh về chất lượng, mẫu mã sản phẩm trên sàn thương mại điện tử này không đúng như mô tả.
Ngoài ra, khả năng bảo vệ người tiêu dùng cũng là điều mà nhiều người lo ngại khi mua hàng trên Temu. Một số khách hàng có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trả hàng, hoàn tiền hoặc bảo hành sản phẩm, nhất là các sản phẩm công nghệ. Hơn nữa, một số người dùng Việt cũng cho biết các đơn hàng trên Temu phải có giá trị trên 120.000 đồng mới được miễn phí vận chuyển.
">