|
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. |
Trao đổi tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với mỗi quốc gia, tổ chức và từng cá nhân. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng này đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội đất nước.
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai một số chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông.
Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Cùng với đó, kinh tế số đã được hình thành và phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo nền kinh tế ASEAN năm 2019 do Temasek, Google và Bain & Company công bố tháng 10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 đạt trị giá là 12 triệu USD, đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015; dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.
Từ thực tế thời gian gần đây, báo cáo nền kinh tế ASEAN 2021 cũng của nhóm nghiên cứu trên đã đưa ra dự báo cao hơn cho kinh tế số Việt Nam vào 2025 – với mốc 57 tỷ USD. Báo cáo này cũng cho hay, trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31%, đạt 21 tỷ USD.
Nền kinh tế số Việt Nam cùng Indonesia đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm, so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay. Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn về phát triển kinh tế số của khu vực.
“Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt khoảng 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương thông tin.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Và chưa bao giờ, chúng ta được chứng kiến quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và sâu sắc như từ năm 2020 đến nay.
Cần tiếp tục ưu tiên tăng tốc chuyển đổi số kinh tế
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Bàn về phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Toni Kristina Eliassz, chuyên gia giải pháp kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu rất tham vọng. Song để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi những nỗ lực lớn để chuyển đổi nền kinh tế, bao gồm cả việc tận dụng các nguồn lực phát triển mới.
|
Chuyên gia WB cho rằng, Việt Nam cần biến khuyến nghị thành các hành động và dự án với chiến lược, kế hoạch đầu tư cụ thể. |
Trên cơ sở phân tích những còn hạn chế của Việt Nam, chuyên gia WB đã đưa ra khuyến nghị về con đường chuyển đổi số trong tương lai của Việt Nam. Theo đó, chuyển đổi số và thúc đẩy số hóa nền kinh tế cần tiếp tục là một ưu tiên với Việt Nam.
Nêu đề xuất cụ thể với Việt Nam, 2 yếu tố chính mà chuyên gia WB mong muốn Chính phủ có thể áp dụng trong thời gian tới, đó là: Trong ngắn hạn, cần củng cố nền tảng kiến thức, tập trung vào các lỗ hổng kiến thức và nhu cầu mới nổi, cấp thiết đã xác định; Biến khuyến nghị thành các hành động và dự án với chiến lược, kế hoạch đầu tư cụ thể.
Ông Toni Kristina Eliassz cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò đặc biệt quan trọng của Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số: “Sự hỗ trợ của Chính phủ càng ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy môi trường cho chuyển đổi số. Vai trò của Chính phủ chính là hỗ trợ, dẫn dắt và tạo nên một môi trường mang tính chất thúc đẩy để các cơ quan, tổ chức có thể chuyển đổi số”.
Chia sẻ quan điểm về hỗ trợ phát triển nền kinh tế số, đổi mới trong dịch vụ tài chính, bà Vanessa Vizcarra, Trưởng Bộ phận định chế tài chính Upstream, IFC Vietnam cho rằng: Chuyển đổi số có tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính gặp nhiều trở ngại. Cơ cấu thị trường và các quy chế, quy định tạo sức ì. Vì thế, cần tăng thêm “khả năng tương tác kĩ thuật số” giữa 2 lĩnh vực tài chính và hàng hóa.
Đại diện IFC Vietnam cũng đề xuất một số sáng kiến với các nhà hoạch định chính sách như: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ngân hàng số và ngân hàng kiểu mới; thực hiện thoả thuận Ngân hàng nền tảng mở; tái cân bằng thị trường hơn so với cấu trúc tài chính dựa vào ngân hàng là trọng tâm; nâng cấp cơ sở hạ tầng tài chính cốt lõi...
Vân Anh
Quy mô kinh tế số đạt 21 tỷ USD, "đại bàng" chọn Việt Nam ấp trứng
Tổng giá trị nền kinh tế Internet của Việt Nam được Google dự báo sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD vào năm 2025.
">