Khu vực chúng tôi đang nói tới là nơi du khách đến Vũng Tàu thường dừng xe để trèo lên đỉnh núi tham quan tượng Chúa, ngắm toàn cảnh thành phố, hoặc đi sang Hòn Bà những khi nước xuống. Vũng Tàu có bãi biển dài rộng, lại có nhiều thắng cảnh, nên thu hút rất đông du khách mỗi dịp cuối tuần.Khách du lịch đã mang lại nguồn thu lớn để phát triển kinh tế thành phố. Nhưng du khách đến rồi đi cũng để lại nhiều ngoại tác tiêu cực: nạn kẹt xe ở khu vực bãi sau, những đoàn xe du lịch lấn làn chạy ẩu, những cuộc đua phân khối lớn về đêm và đặc biệt là bãi biển và những khu vui chơi ngập rác.
Kẹt xe, lấn làn, đua xe phân khối lớn... thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền. Những người dân như anh Kiên chỉ có thể hỗ trợ gìn giữ và tôn tạo thành phố bằng cách nhặt rác. Người dân Vũng Tàu nhiều năm nay đã hình thành các nhóm tình nguyện như của anh Kiên, vận động thu gom rác, làm sạch bãi biển định kỳ..., chấp nhận nó như mặt trái khó tránh của quá trình phát triển du lịch.
Sự can thiệp của chính quyền để hạn chế ngoại tác tiêu cực là việc làm cần thiết. Một trong những phương án dễ nhất là thu phí du khách. Cách này đẩy chi phí bình quân mỗi ngày của du khách tăng lên, từ đó hạn chế số lượng, giảm những tác động tiêu cực với địa phương, đặc biệt là nơi có những nền văn hóa đặc sắc cần gìn giữ.
Phố cổ Hội An là một di tích cần lưu giữ và tôi tin là chính quyền đã có những cân nhắc giữa việc theo đuổi lợi ích kinh tế bằng mọi giá và yêu cầu giữ gìn, tôn tạo di sản hàng trăm năm tuổi này. Theo Phương án tăng cường quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An, từ 15/5, thành phố bắt buộc khách mua vé tham quan trước khi vào phố cổ, mức 80 nghìn đồng/vé với khách trong nước và 120 nghìn đồng/vé cho khách quốc tế. Chủ tịch thành phố giải thích, mức thu này căn cứ vào thực tế, khách nước ngoài thường tham quan sáu điểm, trong khi khách nội địa thường chỉ tham quan bốn điểm. Nguồn thu từ vé, chính quyền khẳng định sẽ trang trải cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích, hạ tầng trong khu phố cổ...
Nghiên cứu tại một hội thảo quốc tế về di sản thế giới tại Việt Nam năm 2018 chỉ ra, du lịch đóng góp khoảng 67% GDP cho Hội An, trong đó tính riêng tiền bán vé vùng lõi là 7,8 triệu USD năm 2016. Bình quân mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt khách tham quan phố cổ. Lưu lượng khách ở mức lớn trong bối cảnh sức chứa của phố cổ có hạn; cộng với thực tế mực nước biển đang dâng khiến nền đất Hội An thấp dần cho thấy, yêu cầu tu bổ thường xuyên để khu phố cổ luôn trong tình trạng tốt nhằm tiếp tục thu hút du khách, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài là việc tối cần thiết.
Nhiều chính quyền địa phương tại Việt Nam cũng đã áp dụng cách thức thu phí để giới hạn lượng khách, tránh gây ra những tổn hại khó khôi phục đến các điểm du lịch. Quy định hạn chế khách tham quan khám phá hang Sơn Đoòng là ví dụ điển hình. Trên thế giới, Amsterdam của Hà Lan cũng phát hành city pass thu phí du khách tại một số địa điểm nhất định trong thành phố; hay quần thể tháp Angkor của Campuchia thu phí khách tham quan với mức rất cao. Những nguồn kinh phí này giúp ích đáng kể trong việc bảo tồn các danh thắng, di tích.
Quyết định của Hội An không hoàn toàn mới. Những năm qua du khách đi theo đoàn vẫn phải mua vé tham quan phố cổ. Nhưng cũng theo thống kê trên, chỉ 40% khách mua vé, chủ yếu là khách quốc tế. Hội An bị thất thu lớn từ những khách lẻ. Việc điều chỉnh cách thức thu vé để đảm bảo thu đủ và thu công bằng giữa du khách với nhau là cần thiết. Điều còn lại là cách triển khai khoa học và cam kết minh bạch về nguồn thu.
Thay vì thu - soát vé theo cách thủ công, chính quyền có thể hướng tới việc ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt tại các điểm kiểm soát. Thay vì phân loại giá vé theo đối tượng nội địa hoặc nước ngoài, gây ra tranh cãi về sự phân biệt đối xử, chính quyền có thể phát hành thẻ ra vào giới hạn các điểm tham quan theo mức chi trả (chẳng hạn 80.000 đồng cho bốn điểm tham quan và 120.000 đồng cho sáu điểm).
Hội An có quyền thu phí, nhưng cũng có nghĩa vụ công khai cách sử dụng và hiệu quả của nguồn thu. Minh bạch thu chi là vấn đề quan trọng nhất nhằm tạo niềm tin cho người dân và du khách - những người được quyền biết rõ, đồng tiền họ đóng góp cho di sản có được chi tiêu đúng như cam kết từ chính quyền hay không. Vì vậy, việc công khai thu chi, các hạng mục tôn tạo hàng năm ở những địa điểm, phương tiện dễ tiếp cận là trách nhiệm và nghĩa vụ nên được thực thi triệt để. Nếu Hội An làm được như vậy, tôi tin, người dân và du khách yêu phố cổ sẽ sẵn lòng đóng góp, thậm chí có thể nhiều hơn nghĩa vụ ghi trên tấm vé.
Quản lý và khai thác một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không chỉ cần một chủ trương đúng mà quan trọng hơn là cách làm khoa học, nghiêm túc, bài bản, đúng với mục tiêu "lấy di tích nuôi lại di tích".
Vũ Ngọc Bảo
" width="175" height="115" alt="Quyền thu phí của Hội An" />