Thuý sinh ra vốn là một đứa trẻ bình thường, khoẻ mạnh. Lên 9 tuổi, đột nhiên đôi mắt cứ mờ dần, không còn nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Không thấy chữ trên bảng, cũng không thể nhìn chữ trên vở viết, cô bé lớp 3 khi ấy sợ không dám nói với ai.Chỉ đến khi cô giáo phát hiện ra Thúy không ghi chép, không làm bài tập mới báo cho bố mẹ. Lúc này, cả nhà tá hoả đưa con đến bệnh viện.
Từ bệnh viện tỉnh được chuyển tới Bệnh viện Mắt Trung ương, bác sĩ kết luận cô bị bệnh Glôcôm. Lúc này, một mắt của Thúy không thể nhìn thấy gì, còn một mắt chỉ thấy 1/10.
Mẹ Thúy khóc nghẹn khi biết tình trạng của con. Thuý cũng khóc theo mẹ, nhưng là vì nỗi lo sợ bản thân không còn được đi học nữa.
“Cuộc sống của em kể từ khi phát hiện bệnh đã đảo lộn rất nhiều. Em phải nghỉ học 1 năm trời để đi khắp bệnh viện chữa trị. Sau đó, bố mẹ cho em học cố hết cấp tiểu học rồi nghỉ ở nhà vì sợ việc học sẽ làm ảnh hưởng đến mắt”.
Sự khác biệt của mình so với những người xung quanh khiến Thuý dần thấy sợ và khép mình lại. Trong suốt 5 năm, cô không dám bước chân ra khỏi nhà.
“Mới đầu sau khi em nghỉ học, các bạn vẫn hay đến nhà chơi cùng. Nhưng dần dần, em cảm thấy tự ti nên trốn trong nhà, nhờ bố mẹ nói với các bạn rằng mình đã đi vắng. Em cảm giác mình và các bạn không cùng một thế giới. Em đã bị lạc ra bên ngoài”.
Vì vậy, mỗi giờ tan học, Thuý chỉ dám đứng nép vào cổng nhìn trộm các bạn đi ngoài đường, rồi khát khao mình cũng được đi học.
Đào Thị Thúy, tân sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Năm 2011, Thuý biết tới Hội người mù huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) - nơi cô biết mình sẽ có cơ hội để được học. Vì thế, Thuý đã xin vào hội.
“Vào đây, em mới nhận ra có nhiều người cảnh ngộ giống như mình. Thậm chí, có những người hoàn toàn không thấy rõ thế giới bên ngoài, nhưng họ vẫn vui vẻ sống, cùng nhau đàn hát. Em tự suy nghĩ “Mọi người ai cũng lạc quan, tại sao mình lại suy sụp đến vậy?”.
Tư tưởng thay đổi, Thuý bắt đầu trở nên thoải mái, cởi mở hơn với mọi người. Cô học cách không còn sợ hãi xem người khác nghĩ gì về mình, thoát ra khỏi sự mặc cảm, tự ti.
Ở trong hội, có những bạn bẩm sinh hoàn toàn không nhìn thấy gì. Hàng ngày, Thúy vẫn đưa các bạn đi chơi, mô tả cho các bạn những màu sắc bản thân có thể nhìn thấy được.
“Cũng vì các bạn ấy nên em nhận ra, sống trong bóng tối không có gì đáng sợ”, Thúy nói
Mơ ước thành cô giáo dạy Piano
Kể từ khi đôi mắt không còn thấy rõ, Thuý không dám ước mơ điều gì xa xôi. Đến khi được sinh hoạt trong một tập thể, cô gái sinh năm 1996 bắt đầu bén duyên với cây đàn piano.
“Em dần tìm lại được những thứ mình yêu thích. Ngay từ khi còn bé, em đã rất thích đàn piano. Nhà bác họ em có một chiếc đàn, em thường sang đó chơi để được chạm tay vào những phím đàn. Ở nhà, nếu nghe thấy chị họ đang tập đàn, em lại đứng sát vào cửa sổ cạnh đó để được nghe”.
Thúy vào lớp học nhạc trong Hội người mù huyện Nam Sách, thầy giáo phát hiện ra cô học trò có tài năng đặc biệt với piano. Cô đề xuất với thầy việc muốn thi thử vào Nhạc viện.
May mắn, ở tuổi 19, Thuý thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hệ trung cấp 7 năm. Sau một năm học, cô quyết tâm thi vượt rào, nhảy lên năm thứ 4.
Thúy giờ đây luôn lạc quan, tự tin
Được đi học nhưng Thúy tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn khác. Thầy cô giảng bài trên slide khiến cô không thể ghi chép được bài vở. Thời gian đầu, Thúy cảm thấy bất lực vì không có tài liệu. Nhưng rồi, cô nhận ra “không thể như thế này mãi được”.
Không thể nhìn thấy rõ trên bảng, Thuý ghi âm lại lời cô giảng, ghi lại từ khoá, sau đó về nhà viết lại hoàn chỉnh hơn.
Mỗi khi tập những bản nhạc, thay vì vừa đánh vừa thuộc như các bạn trong lớp, Thúy sẽ học thuộc bài trước rồi mới tập. Nhờ phương pháp này, Thúy đã vượt qua được tất cả các môn trên trường.
Cô học cách sống tự lập khi không có người thân ở bên.
Giờ đây, cô gái 24 tuổi đã trở nên lạc quan, mạnh dạn hơn mỗi khi ra ngoài. Cô cũng quyết tâm đi xin việc làm thêm để tự trang trải tiền học phí, sinh hoạt.
Vừa qua, Thúy đến một trung tâm xin làm gia sư môn piano. Nhưng trung tâm từ chối vì e ngại cô chẳng thể nhìn rõ, lo sợ phụ huynh không tin tưởng giao con cho một cô giáo khiếm thị.
“Điều này khiến em khá buồn, nhưng nỗi buồn đó kéo dài không lâu, vì em biết đó cũng sẽ là điều bản thân sẽ liên tục phải đối mặt sau này. Mình cũng không thể cứ thế buồn mãi được.
Em nhớ nhiều lần mình đi xe bus, hỏi đường người lạ, họ chỉ vô tình thôi nhưng lại nói những câu gây tổn thương như: “Cái biển to đùng thế kia không nhìn được hay sao mà cứ phải hỏi”; “Không nhìn rõ thì đứng gần vào mà nhìn”.Nếu cứ để ý từng câu nói của người khác cũng chẳng khiến mình vui vẻ hơn. Em cứ nghĩ thế nên cho qua đi”, Thuý bộc bạch.
Thuý nói, bản thân đã trải qua nhiều nỗi đau nên phải tự học cách mạnh mẽ, bản lĩnh hơn.
“Đó là năm 2012, mẹ em qua đời. Ở nhà mẹ là người gần gũi, quan tâm em nhất. Bao nhiêu sự yêu thương mẹ đều dồn hết về phía em. Do đó, việc mẹ đột ngột qua đời, với em là một cú sốc.
Em cũng từng chán nản, mất hết ý chí phấn đấu. Bao nhiều suy nghĩ tiêu cực hiện lên trong đầu, rằng “thà chết đi cho xong”. Nhưng rồi, em đã vượt qua được tất cả. Do vậy, giờ đây, mọi thứ em đều tiếp nhận một cách bình thản”.
“Ai rồi cũng có thể toả sáng theo cách của riêng mình”, Thúy nói. Cô gái 24 tuổi giờ đây đã trở thành tân sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sống mãnh liệt với đúng đam mê của mình. Ước mơ của Thúy là trở thành một cô giáo dạy piano trong tương lai.
Chàng trai khiếm thị Thái Lan tự “mò đường” đến Việt Nam để học tiếng Việt
Người nước ngoài học tiếng Việt đã khó, nhưng với những người khiếm thị như Aun, việc học còn khó khăn hơn gấp bội. Hành trình đến với mảnh đất Việt Nam của Aun là một câu chuyện đẹp và đầy phi thường.
" alt="Nữ sinh khiếm thị được tuyển thẳng vào Nhạc viện" width="90" height="59"/>