Tổng tiêu thụ đồ uống có đường tăng 420% trong 15 năm Dự kiến tháng 10,ìsaochỉápthuếđốivớiđồuốngcóđườngmàkhônggồmbánhkẹvé máy bay dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc Hội và thông qua vào tháng 5/2025. Trong đó, ngoài việc tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá, rượu bia, dự thảo cũng đưa thêm nước giải khát có đường vào danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Giống như rượu, bia, thuốc lá, tiêu thụ nước giải khát có đường đang có xu hướng ngày càng tăng cao. Tại hội thảo ngày 20/9 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, tổng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam, giai đoạn 2009-2023, đã tăng từ 1,59 tỷ lít lên 6,67 tỷ lít, đạt tỷ lệ tăng 420%. Tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người lên 66,5 lít/người, tăng 350%. Thạc sĩ Lâm cũng chỉ ra một loạt bệnh liên quan đến việc sử dụng thường xuyên đồ uống có đường. Đó là thừa cân, béo phì, tiểu đường túyp 2, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, sâu răng, gút… "Tỷ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường túyp 2 đang tăng nhanh ở Việt Nam. Tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành đã tăng gần gấp đôi từ 4,1% lên 7,1% từ năm 2015 tới năm 2021. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% lên 19% chỉ trong vòng 10 năm (2010-2020)", Thạc sĩ Lâm phân tích. Vì thế, việc áp thuế nước giải khát có đường nhằm giảm tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong. Áp thuế tiêu thụ đặc biệt có tác dụng tăng giá bán, từ đó giảm sử dụng, giảm nguy cơ bệnh tật, tử vong, qua đó bảo vệ sức khỏe người dân. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra mức thuế suất 10% trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu. Theo tính toán với mức thuế suất này chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, mức tăng giá bán lẻ như vậy là không đáng kể, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Ví dụ, sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/chai sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt có giá bán là 10.500 đồng/chai. Trong khi đó, WHO khuyến cáo để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giá bán lẻ đồ uống có đường cần phải tăng 20% trở lên, tương đương với thuế suất tiêu thụ đặc biệt trên giá xuất xưởng, nhập khẩu phải là 40%. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình). Vì sao cần phải áp thuế với nước giải khát có đường? Nhiều ý kiến cho rằng tại sao chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường mà không áp thuế với các sản phẩm khác như bánh, kẹo… cũng có đường. Về vấn đề này, PGS.TS Trương Thị Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, lý do chọn nước giải khát có đường vì nó đóng góp tới 25% lượng đường tự do tiêu thụ ở người lớn và 40% lượng đường tự do tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Theo kết quả của tổng điều tra dinh dưỡng, có những khu vực có tới 25% người dân tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá khuyến nghị. Trong đó, đóng góp của đồ uống có đường rất lớn. "Với các sản phẩm khác như trà chanh vỉa hè, bánh ngọt…, chúng ta đang tiếp tục truyền thông để người dân hạn chế sử dụng, hạn chế ăn đồ ngọt… Chính phủ dùng nhiều biện pháp khác nhau để kiểm soát việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, với các lĩnh vực khác việc thực hiện phải có lộ trình, dần dần đưa các mặt hàng vào chịu thuế", PGS Mai nói. Bên cạnh đó, không giống như đường ở dạng rắn (như đường trong bánh, kẹo, socola…), đường dạng lỏng (như trong nước giải khát, đồ uống có đường) có hại nhiều hơn với cơ thể. Đường dạng lỏng được dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách mà cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. Vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng. Đường dạng lỏng được dung nạp nhanh do được gan hấp thụ nhanh hơn so với đường dạng rắn và làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây tăng huyết áp và viêm nhiễm. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa, bệnh gan… "Đồ uống có đường cung cấp lượng calo rỗng, nghĩa là chứa lượng calo cao nhưng không có giá trị dinh dưỡng. Nó kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no từ đó làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể", PGS Mai phân tích. Đa số đồ uống có đường được thêm vào đường fructose, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và gia tăng tình trạng thừa cân béo phì. Ngoài ra, áp thuế với đồ uống có đường cũng không làm giảm việc làm. Lý do, thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường làm tăng giá bán lẻ dẫn đến giảm tiêu dùng các loại sản phẩm này nhưng tăng sức mua với các loại đồ uống lành mạnh thay thế. Điều này sẽ tạo ra các việc làm thay thế. Đồng thời, bù đắp cho việc giảm doanh thu của đồ uống có đường. Tại Việt Nam, việc áp thuế đồ uống có đường là phù hợp với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo ước tính, việc áp thuế cho đồ uống có đường có thể làm gia tăng ngân sách từ 5.300 đến 17.350 tỷ đồng tùy theo cơ chế thuế và mức thuế suất. WHO khuyến cáo nên tiêu thụ dưới 25gr đường tự do mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, 1 lon nước ngọt có ga 330ml cung cấp khoảng 35gr đường, cao hơn 10gr so với mức khuyến nghị, 1 chai nước cam ép 455ml cung cấp khoảng 61gr đường, cao gấp 2,5 lần so với mức khuyến nghị. Như vậy, chỉ với 1 chai (hoặc 1 lon) đồ uống có đường được tiêu thụ 1 ngày đã là quá mức tiêu thụ khuyến nghị chưa kể lượng đường tiêu thụ từ các loại thực phẩm khác có chứa đường. |