Để không ai bị bỏ lại phía sau Sáng 21/3,ânấmMườngLátBộtrưởngTôLâmtraonhàchongườivùars vs tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa, Bộ Công an, chính quyền địa phương và nhà tài trợ đã làm lễ bàn giao 9 căn nhà cho hộ nghèo. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an có chủ trương xây dựng 600 căn nhà cho hộ nghèo ở Mường Lát. | Bộ trưởng Công an Tô Lâm trao nhà cho gia đình nghèo ở Mường Lát. Ảnh: Lê Dương |
Tổng kinh phí chương trình là 30 tỷ, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng, đảm bảo mẫu thiết kế của Bộ Công an với tiêu chuẩn 3 cứng - nền cứng, mái cứng, khung cứng. Đại tướng Tô Lâm bày tỏ: “Chúng ta vẫn còn nhiều trăn trở và chưa thể hài lòng khi cả nước đang còn hơn 2 triệu hộ nghèo, cận nghèo, 200 xã, gần 20.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm để chúng ta cùng tiếp tục hành động, cả nước chung tay về người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, chủ trương xây dựng 600 căn nhà kiên cố cho các hộ dân của Bộ Công an rất ý nghĩa và nhân văn. Thường trực Tỉnh ủy đã khẩn trương chỉ đạo ban hành đề án và thành lập Ban chỉ đạo do Phó bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh làm Trưởng ban, giúp nhân dân nhanh chóng xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống. | Niềm vui của gia đình anh Vàng A Lòng khi được nhận nhà mới |
Với địa hình phức tạp, hiểm trở như huyện Mường Lát, nhiều hộ dân nằm sâu trong rừng, nằm cao trên núi, việc vận chuyển vật liệu gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, ngoài sự hỗ trợ của Bộ Công an, các nhà thầu, tỉnh Thanh Hóa đã huy động các lực lượng như công an, quân đội, Đoàn thanh niên, nhân dân… góp công, góp sức. Con hết cảnh đi ở nhờ hàng xóm Chị Lò Thị Tuyên, dân tộc Thái, ở bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát chưa bao giờ nghĩ sẽ được ở trong ngôi nhà mới khang trang như thế. “Tôi vui không thể diễn tả, nước mắt cứ chảy ra. Đến khi ngôi nhà mới hình thành, cả nhà lập tức vào ở cho sướng, kệ bên ngoài thợ vẫn đang hoàn thiện”, chị hân hoan nói. | Từ nay, các con của chị Lò Thị Tuyên không phải đi ở nhờ mỗi khi trời mưa nữa |
Trước khi có nhà mới, cả gia đình 6 người, gồm bố mẹ chồng gần 70 tuổi cùng 3 con nhỏ phải sinh sống trong 2 căn chòi che chắn tạm bợ bằng bạt và phên nứa ở cuối bản. Gia đình chị Tuyên thuộc hộ nghèo nhất bản, bố mẹ chồng già yếu, mọi công việc đều một vai chị gánh vác. Miếng ăn còn phải lo từng ngày, chưa khi nào chị dám nghĩ tới việc dựng được căn nhà. “2 cái lều nhỏ tạm bợ, mùa mưa nước dột ướt sũng, mùa đông lạnh không thể nằm nổi. Thương các con nên tôi phải đưa chúng nó đi ở nhờ hàng xóm. Hôm nay, được Bộ Công an, chính quyền quan tâm xây dựng nhà mới, tôi rất cảm động. Từ nay, chúng tôi không phải lo lắng khi mưa nắng, giông lốc nữa”, chị Tuyên chia sẻ. Nhà bà Hơ Thị Dính (dân tộc Mông), ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi cũng vui mừng không kém. Chồng mất sớm, để lại cho bà người con gái bị liệt bẩm sinh. Hai mẹ con sống cheo leo trong nhà vách nứa tít lưng chừng đồi. Mùa đông về, gió lùa rất lạnh và có thể sập bất cứ lúc nào mỗi khi mưa, bão. | Bà Hơ Thị Dính dọn đồ đạc về nhà mới |
Bà Dính bảo, hai mẹ con ở tạm bợ như thế này đã lâu, khổ lắm. “Trong ngôi nhà rách nát lưng chừng núi, nhiều lúc tôi đi làm cũng không yên tâm, sợ mưa gió con gái bại liệt ở nhà không xoay sở được. Bây giờ có nhà mới kiên cố, tôi yên tâm đi lên nương rẫy nhiều ngày rồi”, bà xúc động nói. Hôm nay chính thức vào nhà mới, bà Dính cười tếu táo: “Tôi sẽ rất khó ngủ. Trước đây nhà dột nát, tối lạnh lắm. Quần áo, chăn màn khi nào cũng ẩm ướt. Giờ nhà mới, tường vách kín bưng, gió không lùa, đồ đạc trong nhà cũng sạch sẽ nên có khi lạ nhà, khó ngủ”. Niềm vui của cả gia đình câm điếc Khó khăn nhất có lẽ là gia đình anh Va Văn Dế (35 tuổi, dân tộc Mông ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn). Gia đình anh có 3 người đều bị câm điếc bẩm sinh. Suốt nhiều năm qua, anh cùng vợ và con gái sống lay lắt trong căn nhà tạm ở ven quốc lộ. | Gia đình anh Va Văn Dế phấn khởi khi có nhà mới |
Do khiếm khuyết nên 2 vợ chồng không thể đi làm thuê kiếm tiền được. Ngoài thời gian lên nương, vợ chồng anh chỉ ngồi bó gối ở nhà. Nhiều hôm hết gạo, hàng xóm, anh em phải mang sang cho. Một ngày trước lễ bàn giao, anh và người thân thu dọn đồ để chuyển tới nhà mới. Dù không nói được nhưng anh Dế vẫn giơ tay ra hiệu, chỉ cho chúng tôi xem quanh ngôi nhà mới như muốn sẻ chia niềm phấn khởi. Anh Va Văn Cợ (anh trai Dế) cho biết, bố mẹ anh đẻ được 6 người con thì có 2 người bị câm điếc. Mấy anh em ai cũng nghèo, vợ chồng anh Dế khó khăn nhất. Đứa con gái năm nay 11 tuổi cũng bị như bố mẹ nên chẳng được học hành gì. “Trước đây, Dế ở trong căn nhà tạm bợ. Hôm nay có nhà mới, nó phấn khởi lắm, cứ đi khắp nhà ngắm nghía. Nếu không có Bộ Công an xây cho nhà thì có khi tới chết chúng nó không có nổi nơi ở đàng hoàng”, anh Cợ chia sẻ. Mường Lát là huyện vùng cao biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, với trên 95% dân số là đồng bào thiểu số. Địa hình nơi đây phức tạp, chia cắt nhiều đồi núi cao, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai. Đến nay, đây vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh. 8/8 xã, thị trấn, với 73/88 bản, khu phố vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn; toàn huyện có 3.262 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 37,67%, gấp 17,1 lần tỉ lệ hộ nghèo bình quân của cả tỉnh). Nhiều gia đình chưa có nhà ở, nhà ở tạm bợ, hoặc nằm trong khu vực nguy cơ cao bị sạt lở, lũ ống, lũ quét cần di dời. |
Lê Dương Vang vọng khúc Thánh ca giữa bản người Mông ở Mường NhéSáng chủ nhật hàng tuần, bà con giáo dân người Mông ở bản Sima 2 (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) lại cùng đến nhà sinh hoạt chung, giao lưu, nghe giảng đạo và ca vang khúc Thánh ca an lành… Công an chính quy về xã, xắn tay sửa nhà giúp dân ở Hà NộiVới những mô hình giúp dân theo cách thiết thực, gần gũi, lực lượng công an chính quy về xã sau hơn một năm đã xây dựng thế trận lòng dân bền chặt, khăng khít. |