|
Bà Doreen Bogdan-Martin, Cục trưởng Cục phát triển ITU phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Mạnh Hưng) |
Ở vai trò điều phối phiên thảo luận bàn tròn này, bà Doreen Bogdan-Martin, Cục trưởng Cục phát triển Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU nhận định, hiện nay việc thiếu cơ sở hạ tầng kết nối vẫn là một rào cản lớn, đặc biệt là với những quốc gia kém phát triển.
Các vấn đề triển khai 5G, đầu tư tài chính, đảm bảo kết nối mạng lưới... đòi hỏi mức đầu tư lớn, nhất là với các nước kém phát triển nhất (LDCs), quốc gia nội lục (LLDC) và các tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDS) cùng các bên liên quan khác đang chịu áp lực lớn do tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Dẫn số liệu từ Báo cáo kết nối toàn cầu của ITU, bà Doreen Bogdan-Martin cho biết thêm, ước tính chi phí kết nối cho nhóm người vẫn chưa tiếp cận Internet vào năm 2030 sẽ tiêu tốn riêng về mặt cơ sở hạ tầng khoảng 428 tỷ USD. Đó là một gánh nặng mà tất cả các chính phủ phải đối mặt.
Ông Mustafa Jabbar, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông và CNTT của Bangladesh cho biết, mặc dù sự tham gia của các lĩnh vực công và tư đều đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng tại các quốc gia như Bangladesh, lĩnh vực tư nhân đóng vai trò then chốt.
"Sự tham gia của người dân cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng Luật, các hướng dẫn và chuẩn bị những môi trường cho sự phát triển công nghệ. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, sẽ không có khung pháp lý để phát triển công nghệ”, ông Mustafa Jabbar nêu quan điểm.
Chính phủ cần giữ vai trò dẫn dắt trong phát triển hạ tầng số, nền tảng số
Chia sẻ quan điểm của Bộ TT&TT Việt Nam, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, như trong thế giới viễn thông truyền thống, thế giới số chúng ta cũng phải giải quyết những vấn đề cốt lõi như: vấn đề truy cập cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi; vấn đề phát triển hạ tầng rộng khắp trong từng quốc gia và trên toàn thế giới; vấn đề cung cấp các dịch vụ hữu ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, phát triển bao trùm trên thế giới.
Nhưng có một số điểm khác biệt lớn giữa hạ tầng viễn thông và hạ tầng số như: trước kia hạ tầng viễn thông phục vụ kết nối người với người là chính thì nay là kết nối máy với máy là chính và cho phép thông minh hoá rất nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.
Trước kia hạ tầng viễn thông phục vụ thông tin liên lạc là chính thì nay hạ tầng số phục vụ vô vàn hoạt động kinh tế xã hội, 100% trực tuyến. Trước kia CNTT có năng lực xử lý thông tin số hạn chế và được sử dụng khá biệt lập thì nay năng lực của các công nghệ số mới như điện toán đám mây, IoT, AI, 5G... là rất lớn; hệ sinh thái các công nghệ này cho phép tạo ra những giá trị rất mới cho hạ tầng số.
“Trong bối cảnh mới cũng như nhu cầu phát triển mới, đòi hỏi ngày càng tiến bộ hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn như trên, rõ ràng chúng ta cần tiếp cận và xử lý các vấn đề cốt lõi truyền thống dưới những góc nhìn mới và cách tiếp cận mới, đồng bộ và toàn diện hơn”, Thứ trưởng chỉ rõ.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tại phiên Hội nghị Bộ trưởng chiều ngày 13/10 (Ảnh: Mạnh Hưng). |
Nhấn mạnh quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể và vì lợi ích của người dân, đại diện Bộ TT&TT chỉ rõ: Cung cấp truy cập trong thế giới số phải đi đôi với cung cấp thiết bị đầu cuối, kỹ năng số cho mọi người dân.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã đưa ra mục tiêu và giải pháp giải quyết đồng bộ 3 vấn đề: phổ cập cáp quang đến hộ gia đình và triển khai mạng di động 5G; phổ cập smartphone; triển khai MOOC (khóa học trực tuyến - PV) để nhanh chóng đào tạo kỹ năng số cho mọi người dân, vấn đề đào tạo lại và đào tạo nâng cao cũng được chú trọng.
Hạ tầng viễn thông băng rộng phải trở thành hạ tầng số với năng lực thu thập, lưu trữ, tạo ra và xử lý dữ liệu số, truyền đưa dữ liệu số, khai thác giá trị dữ liệu số. Điện toán đám mây sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong hạ tầng số. Đây cũng là trọng tâm đầu tư phát triển trong Chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam.
Việt Nam còn cho rằng các quốc gia rất cần quan tâm đến sự phát triển của các nền tảng số - Digital Platforms. Hạ tầng của thế giới số, bao gồm hạ tầng số và các nền tảng số có vai trò như hạ tầng, là yếu tố có tính nền tảng đảm bảo sự phát triển chung của toàn xã hội. “Cũng như giai đoạn đầu phát triển thế giới kết nối viễn thông, Việt Nam cho rằng rất nên có vai trò định hướng và dẫn dắt của Chính phủ”, Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, cần đưa các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên hạ tầng số. Một mặt đây là mục đích chính của phát triển hạ tầng số, mặt khác đây cũng là việc kích cầu, tạo cầu cho phát triển hạ tầng số.
Vì vậy, trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt tầm quan trọng ngang nhau và thực hiện đồng bộ, gắn kết các kế hoạch phát triển hạ tầng số với kế hoạch chuyển đổi số các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp...
“Trong vấn đề này, Chính phủ cần đi đầu dẫn dắt. Thực tế ngay sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được ban hành tháng 6/2020 thì Việt Nam cũng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số vào tháng 6/2021, trước khi ban hành Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và Chiến lược phát triển hạ tầng số, dự kiến cuối năm 2021”, Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ với các đại biểu.
Nhiều kinh nghiệm, bài học hay về phát triển hạ tầng
Kinh nghiệm phát triển hạ tầng số cũng là một nội dung được các đại biểu dự phiên Hội nghị Bộ trưởng chiều 13/10 tập trung chia sẻ.
Ông Mustafa Jabbar, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông và CNTT Bangladesh nhận định: Sự phát triển của cách mạng di động phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ 5G. Bangladesh đã thử nghiệm công nghệ 5G từ tháng 7/2018 và bắt đầu triển khai vào năm 2021. Dự kiến, nước này sẽ phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2022. "Tôi hy vọng thế giới sẽ có một bối cảnh khác nhờ sự triển khai của 5G. Công nghệ này sẽ tác động tích cực và thần kỳ đến nhiều ngành công nghiệp, thương mại và nhiều người trên toàn cầu", ông Mustafa Jabbar nói.
|
Bà Bolor-Erdene Battsengel, Chủ tịch Cục Truyền thông và CNTT của Mông Cổ (Ảnh: Mạnh Hưng). |
Tại Mông Cổ, theo chia sẻ của bà Bolor-Erdene Battsengel, Chủ tịch Cục Truyền thông và CNTT, có 226 mạng lưới cáp quang quan trọng và tổng số 46.700 km cáp quang. Quốc gia này hiện có khoảng 3,5 triệu người dùng smartphone và tổng lượng dữ liệu sử dụng vào khoảng 262 terabyte.
Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng ICT, Mông Cổ đã triển khai thành công một nền tảng dịch vụ công thống nhất, tích hợp 500 máy chủ. “Chỉ cách đây 2 tuần, chúng tôi đã triển khai hệ thống trợ giúp trực tuyến 2.0 dựa vào trí tuệ nhân tạo. Qua đó, Chính phủ có thể mang tới cho công dân các dịch vụ tùy chọn, cá nhân hóa dựa vào những gì họ mong muốn từ Chính phủ”, bà Bolor-Erdene Battsengel nói.
Cho biết Chính phủ Mông Cổ quyết định sẽ chuyển đổi thành quốc gia số trong vài năm tới, bà Bolor-Erdene Battsengel thông tin thêm: “Chúng tôi đang tập trung rất nhiều vào việc cung cấp Internet giá rẻ cho người dân toàn quốc, kể cả ở vùng sâu, vùng xa”.
Với Nhật Bản, ông Yuji Sasaki, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này chỉ rõ: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo mật và không được phép lãng phí cũng như không được bỏ lại ai ở phía sau. Trong bối cảnh này, vai trò của Chính phủ đối với việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nghiên cứu càng quan trọng hơn”.
Nhật Bản đặt mục tiêu cụ thể là xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương nhằm thúc đẩy an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống. Quốc gia này thúc đẩy phát triển công nghệ ở cả khu vực tư và công.
Kể từ năm 2019, Nhật Bản đã tham khảo Ấn Độ để xây dựng các khu vực hỗ trợ từ xa cho những người nghỉ hưu. “Việc cung cấp công nghệ cho người lớn tuổi khá khó khăn nhưng tôi tin rằng những tiến bộ công nghệ gần đây có thể giải quyết thách thức này. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội bền vững, chúng tôi đang thúc đẩy phát triển các công nghệ tiên tiến như sinh học, xe tự hành, y tế. Tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật số là đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, có thể truy cập Internet một cách an toàn, không bị từ chối dịch vụ và Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện vai trò này”, ông Yuji Sasaki khẳng định.
Nhóm phóng viên ICT
Vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số lại "nóng" trên bàn nghị sự
Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng các nước trong ITU sẽ thảo luận về vấn đề “Thúc đẩy phát triển hạ tầng: Nghĩ lại về vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số”.
">