|
Trước thực trạng các phương tiện cá nhân là xe ô tô và xe máy đang gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên tình hình giao thông hiện nay, Đại tá Thắng đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cần có quy định về việc mỗi công dân được đăng ký 1 biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó.
“Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 ô tô và 1 biển số, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng” - Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh.
Phòng PC67 Hà Nội cũng đề xuất về quy định trước khi đăng ký phương tiện thì công dân phải có tài khoản ngân hàng. Việc mở tài khoản được xem là điều kiện bắt buộc để đăng ký xe nhằm phục vụ cho phương tiện và chủ phương tiện.
Vì khi phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh camera, các tài liệu chứng minh vi phạm, sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt hành chính qua tài khoản chứ không cần mời lái xe lên làm việc.
Điều này để giảm bớt các thủ tục hành chính và tránh phiền hà cho người dân khi phải đi lại nhiều lần trong quá trình xử lý vi phạm. Cần có quy định về số tiền duy trì trong tài khoản thì mới được đăng ký xe, siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Về việc cấp giấy phép lái xe (GPLX), người đứng đầu lực lượng CSGT Hà Nội đề xuất chỉ cấp GPLX ô tô thời hạn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay, sau 5 năm phải thực hiện đổi GPLX.
Ông Thắng giải thích: “10 năm GPLX có hiệu lực nhưng trong 10 năm khó kiểm soát được người sở hữu GPLX về tình trạng sức khỏe, năng lực lái xe. Đề nghị việc cấp GPLX cho công dân sẽ có Bộ Công an chủ trì. Khi đào tạo, sát hạch và cấp GPLX phải kèm theo điểm của GPLX đó để nếu vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm trên GPLX đó.
Vi phạm giao thông càng nghiêm trọng thì số điểm trừ đi càng nhiều, nếu trừ hết điểm thì phải học lại từ đầu và thi lấy GPLX mới, với trường hợp nghiêm trọng thì phải đình chỉ lái xe vĩnh viễn”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi phương tiện cá nhân đang gia tăng nhanh, việc áp dụng quy định mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số và chủ xe phải duy trì tài khoản được thực hiện càng sớm càng tốt.
Vị trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm: Hiện nay mỗi tháng Hà Nội có gần 500 xe ô tô và 16 nghìn xe máy đăng ký mới, tạo áp lực lên hạ tầng cơ sở và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tổ chức giao thông.
Đại tá Thắng nêu quan điểm: “Việc trông giữ xe ô tô lòng đường các tuyến phố nên tổ chức cả 2 chiều, chỉ đỗ dưới lòng đường, không đỗ trên vỉa hè. Các điểm trông giữ xe ở các quận trung tâm sẽ có mực phí cao hơn các quận, huyện ngoại thành. Các điểm đỗ trên các tuyến phố cũng sẽ đắt hơn các bãi trông giữ xe đã được quy hoạch”.
" alt="Đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 ô tô và 1 biển số"/>