|
Nhiều người nói rằng thả like sẽ tạo cảm giác thiếu thân thiện và thù địch với người khác. Ảnh: Shutterstock. |
Với Gen Z, việc thả icon like trong bình luận hay tin nhắn đồng nghĩa với việc muốn gây sự và tỏ thái độ thù địch với đối phương. Giới trẻ cho biết nhiều lúc họ còn cảm thấy bị tổn thương khi nhận được biểu tượng này.
Hoang mang vì đồng nghiệp thả like tin nhắn
Cụ thể, người dùng Reddit u/Dry_Interaction6220 đã chia sẻ về trải nghiệm của mình ở nơi làm việc khi liên tục nhận được phản hồi bằng icon like của đồng nghiệp. Đa số mọi người ở công ty đều sử dụng biểu tượng like mỗi khi nhận được tin nhắn. Riêng cô lại chọn cách trả lời bằng cách thả tim hoặc nhắn “Tuyệt vời!”, “Cảm ơn”.
“Tôi nghĩ thả like là một hành vi gây hoang mang cho người khác. Có khi nào là do tôi chưa đủ trưởng thành để chấp nhận biểu tượng này không nhỉ?”, cô viết.
Ở bên dưới phần bình luận, nhiều người dùng đã tỏ ra đồng tình với cô gái và cho rằng thả icon like là một việc quá lỗi thời và chỉ dành cho người già. “Với giới trẻ, biểu tượng like thể hiện thái độ thù địch nên nếu có người gửi icon này cho bạn, họ thật bất lịch sự”, người dùng HuaAnNi (24 tuổi) chia sẻ.
|
Gen Z không thích thả like mỗi khi nhắn tin hay bình luận bài viết. Ảnh: Kto Kounotori GIF. |
Cô cho biết những người ở độ tuổi của cô đều không sử dụng biểu tượng like nhưng các đồng nghiệp Gen X lại rất chuộng emoji này. “Tôi đã mất khá nhiều thời gian để làm quen với việc này và không nghĩ rằng họ đang tức giận với tôi”, HuaAnNi tâm sự.
Những người khác cũng đồng ý thả like là một cách phản hồi tệ hại, khiến không khí trong công ty trở nên thiếu thân thiện. “Ở chỗ làm cũ, chúng tôi có một nhóm WhatsApp để các nhân viên nhắn tin với nhau. Nhưng đa số bọn họ đều chỉ trả lời bằng cách thả like. Điều này khiến tôi cảm thấy họ đang có thái độ ghét bỏ tôi”, một người dùng chia sẻ.
Khác biệt thế hệ
Tuy nhiên, không phải Gen Z nào cũng cho rằng thả like là xúc phạm người khác. Người dùng daddybestho (18 tuổi) nói rằng anh luôn dùng emoji này để xác nhận rằng mình đã hiểu hoặc đã nhận được thông tin. Những người dùng lớn tuổi hơn cũng cho biết họ thường thả like khi muốn nói rằng “Tôi đồng ý” hoặc “Tôi đã hiểu và sẽ làm theo”.
“Tại sao mọi người lại thấy khó chịu với icon like nhỉ? Tôi năm nay 40 tuổi và đã sử dụng biểu tượng này trong hơn 90% tin nhắn của mình”, một người dùng viết. Một người dùng khác nói rằng bà rất thích thả tim vì nó biểu thị nhiều ý nghĩa khác nhau.
Nói với New York Post, Barry Kennedy (24 tuổi) chia sẻ anh chỉ sử dụng icon này mỗi khi đùa giỡn hoặc nhắn tin với người lớn như ba mẹ, thầy cô… Thay vì thả like, Gen Z thích trả lời bằng tin nhắn hơn.
“Chúng ta có thể dùng từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ của mình. Nếu đến cả thời gian để viết tin nhắn còn không có thì bạn đừng nhắn tin một cách hời hợt như vậy”, Kim Law (25 tuổi) nói. Nhiều người dùng Reddit khác cũng đồng ý với đề xuất xóa bỏ emoji thả like.
|
Nhiều người cho rằng biểu tượng like xuất hiện trong tin nhắn có thể là do họ vô ý nhấn nhầm. Ảnh: Pixabay. |
Chủ đề này tiếp tục được tranh cãi nảy lửa hơn trên Twitter khi người dùng Christine Richardson chê bai biểu tượng huyền thoại này. “Dùng icon like tức là đang có thái độ thù địch với người đối diện”, cô gái viết. Người dùng Drift cũng đồng tình và cho rằng thả like trông rất thiếu thân thiện.
Emoji đã lỗi thời
Nói về vấn đề này, Elaine Swann, nhà sáng lập của The Swann School of Protocol, cho rằng các nhân viên nên tránh dùng biểu tượng trong môi trường công sở để tránh gây hiểu lầm.
“Nhiều người cho rằng việc dùng emoji rất thiếu tôn trọng”, bà nói. Định kiến này có thể thay đổi tùy vào độ tuổi. Nhưng nhìn chung, mọi người đều muốn được lắng nghe và những biểu tượng cảm xúc này quá hời hợt, không đủ để khiến họ cảm thấy thỏa mãn, chuyên gia cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Sue Ellson, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp, cũng cho rằng chữ viết sẽ diễn đạt nội dung tốt hơn các biểu tượng.
"Có vẻ mọi người quá lười để có thể trả lời tin nhắn một cách nghiêm túc. Việc gửi các biểu tượng cảm xúc sẽ khiến người nhận cảm thấy mơ hồ, không rõ ý của đối phương”, bà nhận định. Bên cạnh đó, emoji thả like cũng cho thấy có thể người gửi đã vô ý nhấn nhầm thay vì thực sự đồng ý với tin nhắn của đối phương.
Trước đó, một khảo sát của Perspectus Global vào năm 2021 với 2.000 người đã chỉ ra đa số mọi người ở độ tuổi 16-29 tuổi đều cho rằng chỉ có người già mới dùng icon thả like. Ngoài ra, những emoji bị cho là lỗi thời còn có biểu tượng trái tim, biểu tượng OK.
(Theo Zing)
">