ICTnews đang tọa đàm trực tuyến: “Giải pháp nào nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam?
![]() |
ICTnews tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Giải pháp nào nâng cao chỉ số an toàn, đangtọađàmtrựctuyếnGiảiphápnàonângcaochỉsốantoànanninhmạngcủaViệlich bd ngoai hang anh an ninh mạng của Việt Nam?” |
Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục ATTT; ông Tô Hồng Nam, Phó Cục Trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT); ông Phan Hoàng Giáp, Trưởng phòng Giải pháp tích hợp, Công ty An ninh mạng Viettel; ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn BKAV; ông Trần Nhật Minh, đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC; ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS), Giám đốc điều hành VNCS Global và ông Nguyễn Hữu Trung, CEO Công ty Cổ phần an ninh mạng CyStack.
Buổi tọa đàm trực tuyến được ICTnews và Cục ATTT thực hiện trong bối cảnh an toàn thông tin mạng đang là vấn đề được các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm khi xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao chỉ số về an toàn, an ninh mạng trong thời gian tới.
![]() |
Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet cho biết: "Trong Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã một lần nữa nhấn mạnh, an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, do đó phải đi trước một bước. Cũng trong chỉ thị này, Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến hết năm 2020 Việt Nam sẽ vào nhóm 45 - 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Bộ TT&TT cũng đưa ra chiến lược cơ chế, chính sách để thúc đẩy an toàn, an ninh mạng của Việt Nam. Việc các tổ chức uy tín trên thế giới có đánh giá tích cực về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã được nhận định là một điểm nhấn nổi bật trong năm 2019. Cụ thể, theo Báo cáo GCI 2019 của ITU, năm 2018 Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017 và là lần đầu tiên lọt vào nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có độ cam kết cao về an toàn, an ninh mạng. Tôi hy vọng qua buổi hội thảo này, với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, chúng ta sẽ đưa ra được nhiều giải pháp, sáng kiến để góp phần thúc đẩy mục tiêu Việt Nam lọt vào nhóm 45 – 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu".
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục ATTT - Bộ TT&TT cho biết: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Việt Nam phải phát triển triển thành cường quốc về an ninh mạng. Để trở thành cường quốc thì xếp hạng an ninh mạng không thể thấp được. Hiện chúng ta xếp hạng 50/194 quốc gia. Đây là xếp hạng khá nhưng nếu để trở thành cường quốc thì chưa đủ. Bộ TT&TT vừa rồi đã ban hành kế hoạch đưa Việt Nam xếp hạng 40 vào năm 2025 và 30 vào năm 2030. Muốn thực hiện mục tiêu này thì cần kêu gọi tất cả cộng đồng tham gia đóng góp ý kiến vào kế hoạch để giúp Việt Nam nâng hạng về chỉ số ATTT và trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Khắc Lịch, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đưa ra chương trình “Make in VietNam”, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Đến tháng 12, phải đạt 90% sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Hiện chúng ta đã đạt được con số trên 80%.
Thông qua hình thức trực tuyến, nhiều độc giả của ICTnews đã gửi câu hỏi đến cho các diễn giả xung quanh những vấn đề về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam; kinh nghiệm về phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố về an toàn thông tin. Các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng cũng chia sẻ nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng.
Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến:
Việt Nam đang tập trung chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Xin các ông chia sẻ nhận định về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh hiện nay?
![]() |
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn BKAV (bên trái) |
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn BKAV: Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh là quá trình trong đó dữ liệu được tập trung cao độ, các dịch vụ mới được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy, dữ liệu tập trung và dịch vụ mới sẽ trở thành đích ngắm của hacker, việc đảm bảo về an toàn dữ liệu cũng như các dịch vụ trở thành yêu cầu rất quan trọng. Nếu chúng ta không đầu tư triển khai đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), để sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí triển khai các giải pháp an toàn bảo mật.
Ông Phan Hoàng Giáp - Trưởng phòng Giải pháp tích hợp, Công ty An ninh mạng Viettel: Để nói về vấn đề này, trước hết hãy nhìn vào sự kiện tháng 07/2018, hacker đã tấn công vào hệ thống của SingHealth, tập đoàn y tế lớn nhất Singapore và lấy đi dữ liệu của 1,5 triệu bệnh nhân (chiếm 1/3 dân số Singapore), trong đó có cả dữ liệu y tế của Thủ tướng Lý Hiển Long. Sự kiện gây chấn động với Singapore, vốn là một đất nước phát triển về an ninh mạng, đã buộc nước này phải tạm dừng chương trình Smart Nation để rà soát lại các biện pháp ATTT. Qua sự kiện này chúng ta có thể thấy nếu không làm tốt công tác bảo mật thì không thể thực hiện được Chính phủ điện tử. Hay nói cách khác việc đảm bảo ATTT là điều kiện tiên quyết để đảm bảo quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh thành công.
Ông Trần Nhật Minh - Tập đoàn Công nghệ CMC: Vấn đề an ninh an toàn thông tin thực sự là vấn đề quan trọng không chỉ trong Chính phủ hay các cơ quan Nhà nước mà là vấn đề của các doanh nghiệp và cá nhân. Khi chúng ta xây dựng đô thị thông minh thì các thiết bị sẽ chiếm nhiều trong cơ cấu tổ chức của thành phố và dữ liệu lưu thông ngày một lớn. Vì vậy, làm sao đảm bảo an toàn thông tin cũng là một câu hỏi khó. Tuy nhiên, với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ thì tôi nghĩ có thể đảm bảo được an toàn thông tin dữ liệu.
Đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được xác định là điều kiện tiên quyết trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Song từ thực tế triển khai hoạt động của đơn vị mình, các ông có thể cho biết quan điểm này đã “ngấm” được đến đâu cả ở khối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng như người dùng?
![]() |
Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Tổng giám đốc VNCS, Giám đốc điều hành VNCS Global |
Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Tổng giám đốc VNCS, Giám đốc điều hành VNCS Global: Thực tiễn khi chào hàng và cung cấp dịch vụ cho nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy hiện tại các đơn vị đều đã ý thức rất rõ sự cần thiết phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin. Tôi nghĩ đó là nhờ thời gian vừa qua có sự thúc đẩy của Chính phủ, Bộ TT&TT thông qua cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp làm an toàn thông tin trong nước tích cực tham gia vào công cuộc bảo mật cho các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn tương đối nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề tài chính, nhân lực nên các đơn vị chưa thực sự triển khai đảm bảo an toàn thông tin được mạnh mẽ.
Ông Ngô Tuấn Anh: Trong thời gian vừa qua, với định hướng đẩy mạnh triển khai các giải pháp đảm bảo ATTT, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp ATTT của Việt Nam đã tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, giám sát tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng như phổ biến thông tin, nhận thức cho người dân. Với các chỉ thị 14/CT-TTg 2018 về nâng cao năng lực phòng chống mã độc và chỉ thị 14/CT-TTg 2019 về việc tăng cường đảm bảo an toàn an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Từ Trung ương tới địa phương đã có những thay đổi đáng kể trong việc trang bị giải pháp bảo vệ, giám sát an ninh mạng.
Tuy nhiên, đảm bảo an toàn an ninh mạng cần triển khai đồng bộ, trong tất cả nghành, lĩnh vực và nhất là phải đảm bảo an toàn an ninh cho người dùng cá nhân. Như vậy, có thể nói chúng ta đã thay đổi về “lượng” trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng. Thời gian tới, cần tập trung thay đổi về “chất” nhằm đảm bảo duy trì bền vững và nâng cao thứ hạng an ninh mạng của Việt Nam trên thế giới.
Ông Phan Hoàng Giáp: Theo đánh giá của chúng tôi trong quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các khối cơ quan doanh nghiệp, việc thực hiện đảm bảo an toàn an ninh mạng đang được phân hóa thành hai nhóm. Những cơ quan tổ chức được lãnh đạo quan tâm, đầu tư về ATTT, có ngân sách thường xuyên cho ATTT thường là những nhóm đơn vị triển khai tốt quan điểm này. Nhóm thứ hai là những cơ quan tổ chức mà người đứng đầu chưa thực sự quan tâm hoặc do thiếu điều kiện về ngân sách thì việc triển khai công tác này có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung trong những năm gần đây, ý thức về việc đảm bảo ATTT ở các cơ quan tổ chức có sự cải thiện rõ rệt hơn so với giai đoạn trước kia.
Ông Trần Nhật Minh: Đảm bảo an toàn, an ninh mạng được xác định là điều kiện tiên quyết trong chuyển đổi số là rất đúng đắn. Bởi chỉ khi nào đảm bảo được ATTT và việc giám sát ATTT trong các cơ quan Nhà nước thì khi đó chúng ta mới có thể đảm bảo việc chuyển đổi số thành công. Còn độ ngấm” đến đâu thì do sự chỉ đạo của Chính phủ nên các cơ quan Nhà nước đã chú trọng triển khai các hệ thống giám sát và đảm bảo an ninh ATTT. Đa phần các doanh nghiệp vừa và lớn đã chú trọng đảm bảo an ninh, ATTT còn một số doanh nghiệp nhỏ do bị hạn chế chi phí nên đã bỏ qua các phương thức quản lý ATTT. Về phía người dùng, việc đảm bảo ATTT chưa được chú trọng. Người dùng ở Việt Nam thường có xu hướng bỏ qua các phương thức đảm bảo dữ liệu của cá nhân. Chính điều này là một yếu tố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ATTT.
Theo đánh giá của các ông, hiện nay, những ngành, lĩnh vực và nhóm đối tượng nào đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thông tin hơn cả? Tại sao?
Ông Ngô Tuấn Anh: Mất ATTT có thể xảy ra với bất kỳ ngành và lĩnh vực nào. Nhưng hiện nay kẻ xấu thường tập trung vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng với mục đích tấn công để trục lợi, bên cạnh đó còn tấn công vào các đơn vị cơ quan đầu não với mục đích đánh cắp thông tin bảo mật quan trọng.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Trung, CEO Công ty Cổ phần an ninh mạng CyStack (bên trái) |
Ông Nguyễn Hữu Trung, CEO Công ty Cổ phần an ninh mạng CyStack: Nhóm ngành có nguy cơ nhất hiện nay ở Việt Nam theo chúng tôi ghi nhận là tài chính ngân hàng, ví dụ như các dịch vụ ví điện tử. Nhóm nguy cơ thứ hai là các công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng Internet cho khách hàng (software as a service), ví dụ như các sản phẩm CRM, logistics. Nhóm tiếp theo là cơ quan quản lý nhà nước. Và nhóm ngành thương mại điện tử cũng có nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao. Nguyên nhân không quá khó hiểu vì các nhóm này nắm giữ nhiều tài sản rất giá trị, trong đó có tài sản dữ liệu và tài sản kinh tế.
Ông Nguyễn Thành Đạt: Theo tư duy thông thường mọi người nghĩ rằng các cuộc tấn công sẽ tập trung vào lĩnh vực Tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của đối tác cung cấp dịch vụ của chúng tôi là FireEye thì trong ba ngành hiện tại đối mặt với các nguy cơ nhiều nhất, dẫn đầu không phải là Tài chính ngân hàng mà là các đơn vị truyền thông, tiếp đó mới đến Tài chính ngân hàng và Các tổ chức Chính phủ. Nhìn chung các cuộc tấn công mạng không nhằm vào nhóm ngành nào cụ thể mà tất cả các cơ quan tổ chức thuộc mọi lĩnh vực khác nhau đều có nguy cơ. Lý do chính là tin tặc luôn tìm kiếm những hệ thống thông tin dễ bị tấn công nhất để khai thác, không phân biệt là hệ thống đó thuộc ngành, lĩnh vực nào.
![]() |
Tọa đàm trực tuyến: “Giải pháp nào nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam?” |
Ông Tô Hồng Nam - Phó Cục Trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT): Theo tôi, đối mặt với nguy cơ mất an toàn thông tin hơn cả là trẻ em. Bởi vì trẻ em đang trong quá trình hình thành nhân cách, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống, trong khi đó các “cạm bẫy” trên môi trường mạng rất đa dạng và ngày càng tinh vi.
Ông Phan Hoàng Giáp: Hacker thường nhắm đến các lĩnh vực mang đến lợi ích lớn như chính trị hoặc tài chính ngân hàng. Các hệ thống lớn và có các ứng dụng đa dạng, nhiều người dùng cũng thường có bề mặt tấn công lớn. Từ đó, chúng ta có thể thấy các nhóm ngành thường đối diện với nguy cơ mất ATTT cao hơn cả chính là các cơ quan nhà nước quản lý Chính phủ điện tử, Bộ ngành, địa phương hay ngân hàng và người dùng của ngân hàng.
Có thực tế là nhiều đô thị tại Việt Nam đang xây dựng thành phố thông minh hoặc triển khai các dịch vụ, giải pháp đô thị thông minh. Kéo theo đó, hệ thống thiết bị kết nối mạng tăng mạnh. Các ông đánh giá thế nào về nguy cơ mất an toàn thông tin đối với những hệ thống thông minh này?
Ông Ngô Tuấn Anh: Một trong các đặc điểm của đô thị thông minh là số lượng khổng lồ các thiết bị được kết nối, trong đó có rất nhiều thiết bị IoT, việc đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống CNTT của đô thị thông minh trở thành thách thức. Chỉ cần một thiết bị có lỗ hổng bảo mật, bị hacker khai thác, kẻ xấu có thể từ đó xâm nhập sâu vào hệ thống, truy cập vào cơ sở dữ liệu lớn để đánh cắp thông tin hoặc gây ngưng trệ những dịch vụ quan trọng. Do vậy, khi triển khai các giải pháp đô thị thông minh bắt buộc phải triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ, giám sát an toàn thông tin tổng thể cho hệ thống.
Ông Phan Hoàng Giáp: Đặc trưng của smart city là số lượng thiết bị kết nối mạng tăng mạnh. Nếu chúng ta không sử dụng các thiết bị của các nhà cung cấp uy tín, được thiết lập cấu hình ATTT đầy đủ, các thiết bị này sẽ đối mặt với nhiều rủi ro về ATTT như chiếm quyền điều khiển, thất thoát dữ liệu hoặc cài mã độc để tham gia vào các mạng botnet.
Ông Nguyễn Thành Đạt: Các hệ thống thông minh về mặt kỹ thuật được thiết kế trước tiên để đảm bảo chức năng vận hành, chứ bản chất các nhà sản xuất không tập trung vào vấn đề bảo mật. Chính vì thế, khi số lượng thiết bị IoT kết nối Internet gia tăng đồng nghĩa với việc nguy cơ an toàn thông tin gia tăng rất nhiều. Mặt khác, những hệ thống này lại khá hạn chế về mặt hiệu năng phần cứng để chúng ta có thể cài thêm các phần mềm bảo mật lên đó. Do vậy, nguy cơ mất an toàn thông tin càng khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, cần có kế hoạch và chiến lược để đảm bảo an toàn thông tin song song với quá trình xây dựng thành phố thông minh.
Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Bộ TT&TT cũng xây dựng kế hoạch để đưa Việt Nam vào Top 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng toàn cầu vào năm 2025 và có tên trong Top 30 vào năm 2030. Các ông đánh giá mục tiêu, kỳ vọng trên có khả thi?
![]() |
Ông Phan Hoàng Giáp - Trưởng phòng Giải pháp tích hợp, Công ty An ninh mạng Viettel (Bên trái) |
Ông Phan Hoàng Giáp: Theo đánh giá, hiện nay chúng ta đã có tương đối đầy đủ các yếu tố để đạt được mục tiêu đề ra. Thứ nhất, Bộ TT&TT đã ban hành các hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, giúp định hướng công tác ATTT trong mọi lĩnh vực. Điều này đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về ý thức bảo vệ ATTT cho hệ thống của các đơn vị chủ quản hệ thống CNTT. Thứ hai, về ngành công nghiệp an ninh mạng nội địa, chúng ta đã có một cộng đồng doanh nghiệp tương đối mạnh, trong đó có nhiều doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi (core) quan trọng của ATTT, có thể cung cấp đầy đủ hệ sinh thái ATTT để bảo vệ ở mức độ quốc gia và các tổ chức doanh nghiệp lớn. Thứ ba, về nhân lực, Việt Nam luôn được đánh giá cao về trình độ nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng. Hiện nay, chúng ta đã thường xuyên có nhân sự được quốc tế đánh giá cao, được xếp hạng Top nhân sự bảo mật của các hãng lớn như Google, Facebook, Microsoft. Đây là những điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu mà Bộ TT&TT đề ra.
Ông Nguyễn Thành Đạt: Bên cạnh quy mô thị trường, để ước tính khả năng đẩy thứ hạng an toàn thông tin chúng ta cần quan tâm đến một chỉ số nữa đó là tốc độ tăng trưởng. Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng ở mức rất cao so với mặt bằng chung khu vực. Tăng trưởng về dịch vụ an toàn thông tin mạng của Việt Nam xấp xỉ 35%/năm, cao hơn Thái Lan (25%) và Singapore (15%), mức tăng trưởng về dịch vụ đánh giá, kiểm định an toàn thông tin còn mạnh mẽ hơn, đạt tới 40 - 50% so với mức trung bình chỉ 10 - 20% của ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, tôi tin rằng nhiệm vụ nâng cao thứ hạng bảo mật nước ta là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi. Và thực tế, theo quan sát của chúng tôi, Việt Nam đang làm rất tốt điều này. Theo đánh giá của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), năm 2020 chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam của VN là 58, tăng đáng kể so với năm 2018 chỉ là 45,6. Việt Nam cũng thăng hạng từ vị trí 100 lên 50 trong bảng xếp hạng Chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI 2019.
Để Việt Nam đạt được mục tiêu chỉ số an toàn, an ninh mạng - GCI trong Top 30 thế giới, tôi cho rằng chúng ta cần nâng cao đồng bộ 5 tiêu chí đánh giá chỉ số GCI bao gồm: Tính pháp lý, biện pháp kỹ thuật, quy hoạch và tổ chức, năng lực an toàn thông tin, hợp tác trong lĩnh vực an toàn thông tin. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp làm an toàn thông tin, cũng như các tổ chức doanh nghiệp trong nước. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp làm an toàn thông tin, trong đó có Công ty VNCS cũng đang đồng hành cùng Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin trong nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Ngô Tuấn Anh: Tôi đánh giá mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, trong lĩnh vực an ninh mạng, yếu tố con người là yếu tố then chốt và người Việt Nam rất có năng lực trong lĩnh vực này. Các chuyên gia an ninh mạng của chúng ta thường xuyên tìm ra các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng của những hệ thống quan trọng trên thế giới. Các công ty Việt Nam có và làm chủ đầy đủ giải pháp an ninh mạng. Với những điều kiện này kết hợp với sự quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế khuyến khích thúc đẩy nội lực an ninh mạng tạo ra thị trường. Tôi tin rằng mục tiêu trên hoàn toàn khả thi.
![]() |
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục Trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT (bên trái) |
Ông Tô Hồng Nam: Tôi tin tưởng mục tiêu trên là khả thi và có cơ sở, được biết Bộ TT&TT đã nghiên cứu rất kỹ, khảo sát đánh giá đúng thực trạng, bối cảnh và tiềm năng; đồng thời cũng đã xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước trước khi trình Thủ tướng phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.
Ông Trần Nhật Minh: Câu trả lời là có thể khả thi. Chúng ta đang có những yếu tố thuận lợi để đạt được mục tiêu này. Quan trọng nhất và là yếu tố cốt lõi đó chính là con người. Các doanh nghiệp đang tập trung vào việc xây dựng đội ngũ nhân viên có trình độ tốt. Bên cạnh đó, người Việt Nam có tố chất ham học hỏi và tiếp cận công nghệ rất nhanh. Điển hình, chúng ta có rất nhiều nhóm sinh viên đã tìm ra các lỗ hổng bảo mật; có rất nhiều chuyên gia được đánh giá cao và được xếp hạng bởi Google và Facebook.
Về lĩnh vực đào tạo, chúng ta có thể thấy trong những năm gần đây ngành CNTT nói chung và ngành ATTT nói riêng đang được đầu tư chú trọng và trở thành những ngành học được coi là “hot”. Điều đó cho thấy rằng sự chú trọng của xã hội vào tương lai của ATTT đã được đẩy mạnh. Tập đoàn CMC đang triển khai dịch vụ giám sát 24/7 cho các cơ quan Nhà nước và địa phương. Bên cạnh đó, CMC luôn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên, từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực ATTT.
Ngoài ra, sự quan tâm của các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT với lĩnh vực ATTT ngày càng được chú trọng. Điển hình như các cuộc hội thảo về hacking đều có sự tham gia của đại diện Bộ TT&TT. Bên cạnh đó, Bộ còn xây dựng sân chơi dành cho những sinh viên chuyên ngành ATTT cùng với sự đẩy mạnh chất lượng giảng dạy trong các trường đại học nhằm tạo ra các chuyên gia có kiến thức và đạo đức trong lĩnh vực ATTT.
Để nâng cao chỉ số GCI thì yếu tố đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta sẽ triển khai vấn đề này ra sao?
Ông Ngô Tuấn Anh: Năng lực về an ninh mạng của người Việt Nam đã được khẳng định, tuy nhiên số lượng các chuyên gia còn rất thiếu so với nhu cầu hiện nay. Do đó, cần đẩy mạnh đào tạo xây dựng đội ngũ, bên cạnh những chương trình đào tạo chuyên ngành an ninh mạng trong các trường đại học cần thúc đẩy xã hội hoá các chương trình ngắn hạn để thu hút nguồn lực của cộng đồng, cũng như đào tạo số lượng lớn nhân lực chất lượng cao, hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng các chứng chỉ an toàn bảo mật riêng của Việt Nam để làm thước đo cho các chương trình đào tạo trong nước, tránh phụ thuộc vào chứng chỉ nước ngoài không cần thiết.
Ông Nguyễn Thành Đạt: Theo báo cáo “Nghiên cứu lực lượng lao động an ninh mạng năm 2019” của (ISC), một tổ chức chuyên về đào tạo và cấp chứng chỉ an ninh thông tin, chỉ có 34% số người trong ngành an ninh mạng là dưới 35 tuổi. Và trong số 34% đó, chỉ có 5% là dưới tuổi 25. Điều đó cho thấy, muốn có đủ nhân lực cần chú trọng đến việc phát triển đội ngũ sinh viên trẻ. Các đơn vị giáo dục cần có giáo trình đào tạo, tìm kiếm và phát triển năng lực của các bạn trẻ từ giai đoạn rất sớm.
Các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng tuyển dụng thực tập sinh từ sinh viên năm thứ ba, thứ tư của các trường đại học uy tín trong đào tạo CNTT, tổ chức thêm nhiều cuộc thi, học bổng về an toàn thông tin cho sinh viên; lồng ghép các dự án thực tế vào trong chương trình đào tạo. Hơn nữa, để thu hút và giữ chân các nhân viên tiềm năng, các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp cho phù hợp. Các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có VNCS đều đang hỗ trợ nhân viên phát triển hết sức khả năng bản thân, ví dụ như học và thi các chứng chỉ bảo mật, tạo cơ hội tham gia khóa đào tạo nâng cao từ các hãng bảo mật khác nhau.
Ông Tô Hồng Nam: Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực ATTT. Ngay từ năm 2014, hai Bộ đã phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã triển khai đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn, cả trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, cán bộ chuyên trách ATTT không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp. Đối với khối các trường đại học, Đề án đã ưu tiên hỗ trợ đào tạo sinh viên ngành ATTT trong các trường đại học, hỗ trợ cơ sở vật chất – học liệu cho các trường trọng điểm đào tạo ATTT, hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy ATTT các trường học lên cao cũng như đi du học ở các nước tiên tiến.
Bộ GD&ĐT đã áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học, bao gồm cả ngành ATTT (Văn bản số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017). Theo đó, huy động nguồn lực của doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực CNTT-ATTT, thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống tạo điều kiện phát triển nhân lực CNTT - ATTT (thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống về chỉ tiêu tuyển sinh, về giảng viên, về thực tập, công nhận tín chỉ, chuyển trường chuyển ngành, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp).
Trong giai đoạn đến năm 2020, chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kết quả triển khai các chương trình, đề án của giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế mới phù hợp với yêu cầu mới. Tôi tin tưởng rằng với kết quả và kinh nghiệm của giai đoạn vừa qua, với quyết tâm của cả hệ thống thì chúng ta sẽ không lo thiếu nhân lực về ATTT trong thời gian tới.
Ông Trần Nhật Minh: Như tôi đã trình bày, cốt lõi của ATTT nằm ở con người. Để có thể đạt được chỉ tiêu đó thì việc quan trọng nhất đó chính là nâng cao nhận thức của người dùng đặc biệt là những người dùng cá nhân về việc đảm bảo ATTT cho dữ liệu cá nhân cũng như dữ liệu của tổ chức mà họ đang nắm giữ. Đây có thể là một vấn đề khó nhất để khắc phục tình trạng người dùng cá nhân tại Việt Nam thường có xu hướng không sử dụng sản phẩm bản quyền. Các sản phẩm bị bẻ khóa thường được sử dụng rộng rãi khiến việc quản lý ATTT trở nên khó khăn hơn. Sự phát triển của công nghệ IoT trong cuộc sống cũng tiềm ẩn nhiều những lỗ hổng, chúng chứa thông tin cá nhân của người dùng. Vì vậy, nếu người dùng không có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng các sản phẩm công nghệ an toàn thì sẽ trở thành mối nguy hại rất khó khắc phục.
Việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực cần có sự đồng bộ của khối, ngành đào tạo và doanh nghiệp. Về phía các trường đại học, chúng ta cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các doanh nghiệp tạo cơ hội thực tập, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với công việc thực tiễn và những công nghệ đang được sử dụng. Đồng thời, xây dựng nhiều sân chơi cho các sinh viên như CTF hay Hackathon, từ đó các bạn trẻ sẽ có cơ hội giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè quốc tế.
Ông Phan Hoàng Giáp: Phát triển nguồn nhân lực ATTT thông qua đào tạo trong các trường Đại học, xây dựng các chương trình học có tính thực tiễn, tính ứng dụng cao và liên tục cập nhật xu thế mới nhất về ATTT. Để sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản tốt ngay ở trên giảng đường. Để tạo được người giỏi thì chúng ta phải có việc khó. Các Bộ ngành địa phương có thể giao những bài toán khó về ATTT cho doanh nghiệp về an ninh mạng triển khai thực hiện. Quá trình giải quyết này sẽ tạo ra được nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang có một số chuyên gia bảo mật Việt Nam ở trong và ngoài nước được đánh giá thuộc top đầu thế giới về bảo mật. Theo thông tin của ông thì nhận định này thế nào? Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực về lĩnh vực bảo mật của Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Thành Đạt: Nhận định này không sai! Hiện tại trong cộng đồng An ninh mạng có rất nhiều anh em có trình độ an toàn thông tin rất tốt đang làm việc khắp nơi trên thế giới. Nhìn chung, trình độ nhân lực an ninh mạng ở Việt Nam không thua kém các nước, chúng ta có hàng ngàn chuyên gia an toàn thông tin đã được cấp chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít so với nhu cầu rất lớn về nhân sự ATTT như hiện nay. Tôi được nhiều bạn bè hiện phụ trách bảo mật ở các ngân hàng và công ty trong nước nhờ giới thiệu nhân sự bảo mật. Bản thân công ty của VNCS cũng ở trạng thái “luôn đăng tuyển” nhưng chưa tuyển dụng đủ số nhân lực “đủ chất lượng” cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Trung: Thứ nhất là khái niệm bảo mật khá rộng nên đánh giá về top đầu thì chúng ta cần làm rõ trong lĩnh vực nào, khía cạnh nào. Thực sự Việt Nam có những cá nhân tên tuổi trên thế giới về phát hiện lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm số đang được sử dụng rộng rãi, quy mô toàn cầu. Nhiều người Việt Nam đã có những bài nghiên cứu, tham luận tại các hội thảo bảo mật lớn nhất thế giới. Và Việt Nam cũng có những cá nhân tạo ra được các công cụ bảo mật, thư viện lập trình được cả thế giới sử dụng rộng rãi. Ở CyStack, chúng tôi có chuyên gia từng phát hiện ra lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong các sản phẩm của Microsoft, HP, D-Link. Gần đây nhất hồi tháng 8/2020, CyStack có bài tham luận ở hội thảo Black Hat USA. Nhìn chung, Việt Nam có các tài năng về bảo mật, nhưng số lượng chưa nhiều. Để đặt mục tiêu trở thành cường quốc về an toàn, bảo mật thông tin, chúng ta cần nhiều hơn nữa các tài năng trong chuyên ngành này.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Trung: "Việt Nam có các tài năng về bảo mật được thế giới công nhận nhưng số lượng chưa nhiều" |
Ông Tô Hồng Nam: Cá nhân tôi cho rằng nhiều chuyên gia bảo mật Việt Nam hoạt động cả ở trong và ngoài nước có trình độ cao, tầm cỡ thế giới. Điều này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam thời gian qua, ngay từ năm 2014, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin đến năm 2020 theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014. Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng cải thiện nguồn nhân lực ATTT Việt Nam cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, Cuộc thi sinh viên với ATTT được tổ chức thường niên suốt 13 năm nay là một sân chơi khơi dậy đam mê, trao đổi học tập, tìm kiếm, tôn vinh các tài năng ATTT ngay từ trên ghế nhà trường. Tất cả đã hợp lực rèn luyện đội ngũ chuyên gia bảo mật nước ta có trình độ tầm khu vực và thế giới.
Thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam quyết không bỏ lỡ cơ hội mà nó mang lại, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt triển khai chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân điện tử, công dân số, nguồn nhân lực ATTT thời gian tới bên cạnh chất lượng cần tăng cường về số lượng, trong đó chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp.
Ông Trần Nhật Minh: Việt Nam có rất nhiều chuyên gia về bảo mật được đánh giá cao bởi cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đang bị chảy máu chất xám. Rất nhiều chuyên gia làm việc tại nước ngoài và không có ý định quay về nước. Điều này nếu không sớm được chú trọng sẽ dẫn đến việc thiếu hụt hoặc mất đi chuyên gia có chất lượng cao. Các sinh viên mới ra trường còn thiếu nhiều kiến thức cũng như kỹ năng trong công việc, dẫn tới khó khăn khi tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực bảo mật.
![]() |
Ông Trần Nhật Minh - Tập đoàn Công nghệ CMC (Bên trái) |
Xin ông cho biết thời gian tới ở khối các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp cần phải làm những gì mới có thể hiện thực hóa kế hoạch trên, đạt được các mục tiêu đã đề ra? Độc giả Thanh Tú (Quảng Ninh)
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục ATTT: Phát triển và quản lý không gian mạng ngày càng phức tạp đặt ra yêu cầu về cách tiếp cận đa phương, đa đối tác (multi-stakeholders). Trong đó, cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, tạo môi trường hợp tác và kết hợp các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp. Xu thế này thể hiện rất rõ trong bảng khảo sát của ITU, cụ thể là tại trụ cột hợp tác. Hiện nay, Cục ATTT đang nghiên cứu và triển khai một số sáng kiến để thúc đẩy hợp tác công - tư, giữa các cơ quan trong lĩnh vực công. Có thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể như:
Hàng năm, chúng tôi đều gửi các bộ, ngành, địa phương bảng khảo sát, đánh giá và xếp hạng mức độ an toàn thông tin. Từ năm 2020, bảng khảo sát sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với các tiêu chí đánh giá của ITU. Sáng kiến này nhằm hướng tới mục tiêu kép: vừa áp dụng phương pháp đánh giá, xếp hạng phù hợp với thực tiễn quốc tế, vừa là kênh thu thập thông tin hiệu quả để phục vụ khảo sát của ITU.
Thúc đẩy triển khai bảo vệ an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp tại các địa phương, từ đó, tạo thị trường cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam; góp phần hiện thực hóa sáng kiến “Make in Việt Nam”.
Thúc đẩy chia sẻ thông tin về sự cố và các cuộc tấn công mạng nhằm nâng cao năng lực phòng, chống và phục hồi của các hệ thống.
Trong mối tương quan đó, Hiệp hội An toàn thông tin đóng vai trò cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác công – tư; cùng với Cục ATTT thực hiện, triển khai các hoạt động thường xuyên như đào tạo nhân lực an toàn thông tin, khảo sát - đánh giá - xếp hạng các bộ ngành địa phương, và tuyên truyền - nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.
Theo báo cáo của Viettel Cyber Security thì tỷ lệ cảnh báo tấn công đối với ngân hàng, tài chính dịch vụ chiếm tới 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo. Vậy ông đánh giá mức độ nguy hiểm của ngân hàng trong lĩnh vực an toàn thông tin là như thế nào? (Độc giả Minh Thu - Hà Nam)
Ông Phan Hoàng Giáp: Số liệu này không gây ngạc nhiên quá lớn bởi đặc thù ngân hàng dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Ngân hàng với các hoạt động liên quan đến tiền tệ dễ đem lại lợi ích to lớn cho tội phạm mạng nếu tấn công thành công. Ngoài ra, tính ứng dụng CNTT và hạ tầng của ngân hàng nói chung là rất phong phú, đa dạng. Chưa kể, nhóm người dùng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng cũng dễ trở thành đối tượng tấn công của các tin tặc. Chúng ta có thể thấy những phương thức tấn công của tin tặc nhắm vào nhóm ngân hàng hiện cũng rất đa dạng, từ APT (tấn công có chủ đích), DDoS (tấn công từ chối dịch vụ) đến phishing (lập website giả mạo) lừa người dùng. Với các yếu tố kể trên thì ngân hàng đối diện nguy cơ rất cao về mất ATTT.
Nhưng một tín hiệu đáng mừng là các ngân hàng được đầu tư tốt và bài bản về ATTT và đã triển khai các giải pháp truyền thống từ lâu như antivirus (diệt virus), firewall (tường lửa)... Gần đây, ngân hàng cũng có xu thế sử dụng dịch vụ, giải pháp giám sát ATTT như Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự kỹ thuật của ngân hàng cũng được xây dựng mạnh và có trình độ tốt, có khả năng ứng phó với các nguy cơ mất ATTT. Nhìn chung, ngân hàng có ý thức bảo mật cao sẵn nên có sự đầu tư và tương đối chủ động trong việc phòng chống tấn công mạng.
CyStack có báo cáo bảo mật định kỳ. Vậy ông đánh giá về mức độ bảo mật hiện nay tại các doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Hữu Trung: Sở hữu hệ thống giám sát an ninh mạng website và nền tảng “Bug bounty - săn lỗi bảo mật nhận tiền thưởng”, CyStack có góc nhìn khách quan về tình trạng bảo mật của một bộ phận doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo chúng tôi, tình trạng bảo mật của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự tốt, vẫn là mục tiêu hấp dẫn của tin tặc. Chúng tập trung khai thác điểm yếu trên các nền tảng lập trình (framework) mà doanh nghiệp sử dụng. Lý do thứ hai là nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công đoạn kiểm soát truy cập, dẫn tới thực trạng bị truy cập trái phép và đánh cắp dữ liệu. Các lập trình viên cũng chưa có kiến thức về lập trình an toàn, chưa đặt đúng vai trò của bảo mật trong quá trình phát triển ứng dụng, dẫn tới tin tặc có thể tấn công máy chủ, truy cập sâu hơn vào hệ thống.
Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi về thị trường, doanh nghiệp, chính sách sau khi Bộ TT&TT đẩy mạnh vấn đề đảm bảo an toàn thông tin mạng trong khoảng 2 năm gần đây? (Độc giả Tuấn Minh - Thái Bình)
Ông Nguyễn Thành Đạt: Qua thực tế triển khai an toàn thông tin cho các đơn vị, tôi đánh giá đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là cơ quan nhà nước. Thời gian qua, các chính sách của Bộ TT&TT cũng tạo điều kiện và thúc đẩy doanh nghiệp an toàn thông tin nghiên cứu và cung cấp sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách vĩ mô để thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.
Thời gian qua, tôi thấy khá nhiều vụ lộ hình ảnh qua camera an ninh, vụ của ca sĩ Văn Mai Hương là một ví dụ. Vậy chuyên gia có khuyến cáo gì cho các cơ quan đơn vị và người dùng camera an ninh? (Độc giả Đức Anh - Hải Phòng)
Ông Nguyễn Hữu Trung: Về cơ bản, việc hack camera an ninh là có thể xảy ra và xảy ra thường xuyên không chỉ ở Việt Nam. Các phương thức tấn công camera an ninh thường dựa vào mật khẩu yếu và sự nhẹ dạ của người dùng. Người dùng và tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phòng tránh sự cố này bằng các biện pháp như sau:
+ Lựa chọn thương hiệu camera uy tín.
+ Ngay khi cài đặt camera, phải hỏi nhân viên kỹ thuật về tài khoản đăng nhập và cách thay đổi mật khẩu.
+ Sử dụng một mật khẩu an toàn. Mật khẩu phải chứa thêm các ký tự in hoa, số và ký tự đặc biệt để hacker không dò ra. Tránh sử dụng mật khẩu mặc định cũng như mật khẩu quá đơn giản, dễ đoán như 123456, admin,…
+ Không chia sẻ tài khoản đăng nhập camera cho người lạ. Chỉ chia sẻ thông tin này với những thành viên gia đình và những người thân bạn tin tưởng.
+ Cẩn trọng với các email đòi hỏi thông tin đăng nhập bởi đó rất có thể là email lừa đảo.
+ Luôn cập nhật firmware của thiết bị camera lên phiên bản mới nhất. Yêu cầu nhà sản xuất cam kết hỗ trợ cập nhật bảo mật nếu cần thiết.
Xu hướng hiện nay các ứng dụng đều được đưa lên Cloud, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn lo ngại vẫn đề bảo mật. Vậy theo ông khi đưa tất cả lên cloud thì vấn đề bảo mật có thực sự đáng lo ngại hay không? (Độc giả Trần Hùng – Hà Nội)
Ông Trần Nhật Minh: Việc đưa dữ liệu của chúng ta lên Cloud cũng tiềm ẩn những vấn đề về bảo mật. Các hệ thống này thường được giữ bởi bên thứ ba. Chính vì vậy, các thông tin này dễ dàng bị lộ ra nếu như đơn vị cung cấp Cloud bị tấn công. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên người dùng nên chọn những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây lớn vì họ sử dụng công nghệ bảo mật tiên tiến. Chúng ta lấy ví dụ như dịch vụ của Amazone cho doanh nghiệp, họ đảm bảo an toàn dữ liệu. Tuy nhiên, chúng ta không thể giao tất cả dữ liệu quan trọng lên Cloud. Việc chọn lựa dữ liệu dựa trên yếu tố thông tin đó thuộc vào lĩnh vực nào. Các thông tin về giao dịch, số tài khoản là những thông tin bạn không nên đưa lên và lưu trữ trên cloud. Một số người dùng có xu hướng lưu trữ thông tin dưới dạng bản ghi nhớ sử dụng các trình ghi chú có trên cloud. Thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lộ dữ liệu nhạy cảm. Trong trường hợp dữ liệu được lưu trữ trên đám mây, người dùng cần tuân thủ quy trình về bảo mật. Bên cạnh đó, việc trang bị kiến thức để bảo vệ tài khoản của mình sẽ giúp việc lưu trữ dữ liệu trên cloud an toàn hơn.
Nhiều năm qua, tâm lý sinh ngoại của người dùng Việt đã là rào cản với các sản phẩm CNTT, an toàn thông tin. Chính phủ đã có chủ trương phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Theo ông hiện giờ khó khăn trong phát triển thị trường nội địa kể đã được giải quyết hay chưa? (Độc giả Vũ Bình - Bắc Ninh)
Ông Nguyễn Thành Đạt: Chúng tôi nhận thấy rằng hiện nay nhìn chung các cơ quan nhà nước đã “mở” hơn rất nhiều cho sản phẩm CNTT, an toàn thông tin của Việt Nam. Đó là nhờ nỗ lực và chính sách của Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy phát triển và sử dụng sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp rất ưu tiên các sản phẩm có thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế. Để thuyết phục các đơn vị sử dụng sản phẩm tự phát triển, chúng tôi thường tạo điều kiện để họ dùng thử sản phẩm và đánh giá. Từ đó khách hàng sẽ hiểu và tin sản phẩm của chúng tôi sẽ giải quyết được những vấn đề an toàn thông tin cho họ.
Mô hình bảo mật ở các ngành, địa phương nên triển khai thế nào trong bối cảnh nhân lực về bảo mật còn mỏng và trình độ ở một số nơi vẫn còn hạn chế? (Độc giả Quang Nam - Hải Phòng)
![]() |
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục ATTT |
Ông Nguyễn Khắc Lịch: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng không đơn thuần là mua các giải pháp đắt tiền. Để hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị lực lượng nhân sự đáp ứng yêu cầu để phản ứng nhanh với các sự cố, cuộc tấn công. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng lực lượng chuyên trách về an toàn thông tin tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế cả về số lượng và trình độ. Trong khi đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, cũng như cơ chế thu hút nhân tài vào làm việc trong môi trường nhà nước còn nhiều hạn chế so với doanh nghiệp, chúng ta cần có một cách tiếp cận khác biệt để giải quyết vấn đề này. Trong thời gian qua, Cục ATTT đã xây dựng và khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai mô hình 04 lớp bảo đảm an toàn thông tin. Trong đó, lớp 01 là lực lượng tại chỗ có khả năng xử lý một số tình huống cơ bản; lớp 02 là sử dụng dịch vụ giám sát của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; lớp 03 là sử dụng dịch vụ kiểm tra, đánh giá độc lập và lớp 04 là kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia (vận hành bởi Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia) để được hỗ trợ khi cần thiết.
Cách tiếp cận này cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương thêm lựa chọn trong xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống, giảm thiểu sức ép về xây dựng đội ngũ nhân sự kỹ thuật, đồng thời nâng cao mức độ an toàn cho các hệ thống thông qua sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp.
Việt Nam đang dần hình thành hệ sinh thái các sản phẩm an ninh, an toàn mạng do doanh nghiệp trong nước phát triển, làm chủ. Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được hơn 70% chủng loại sản phẩm an toàn thông tin quan trọng, ông có bình luận gì về kết quả này? (Độc giả Hoàng Thanh, Bình Dương)
Ông Nguyễn Thành Đạt: Tôi cho rằng đây là kết quả nỗ lực rất lớn của Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin và các doanh nghiệp làm về an toàn thông tin trong thời gian vừa qua. Song chúng ta sẽ cần thời gian để các sản phẩm có thể cải tiến chất lượng. Hi vọng con số này sẽ sớm là 100% trong tương lai gần sắp tới. Chúng tôi tin tưởng thế giới làm được sản phẩm gì, Việt Nam cũng có thể làm được sản phẩm tương tự như vậy.
Tôi thấy trên truyền thông thì Việt Nam luôn là mục tiêu tấn công mạng của các đối tượng từ bên ngoài, theo quan sát của các ông thì hiện nay mức độ tấn công mạng vào Việt Nam như thế nào? Bộ TT&TT cũng thúc đẩy vấn đề này, liệu chính sách đó đã đủ mạnh để chúng ta xử lý, ngăn chặn nguồn tấn công từ bên ngoài hay không? ( Độc giả Hồng Thuý - Hà Nội)
Ông Ngô Tuấn Anh: Do tính chất kết nối mạng toàn cầu, tấn công mạng không phân biệt trong nước hay nước ngoài. Chúng ta không thể cấm việc hacker từ nước ngoài tấn công vào Việt Nam nhưng chúng ta có thể nâng cao năng lực để tự bảo vệ chúng ta trước các cuộc tấn công đó. Tấn công mạng sẽ không mất đi hoàn toàn, điều quan trọng là chúng ta chủ động trong việc bảo vệ, phòng chống, khắc phục giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu có tấn công xảy ra.
Vì sao chúng ta lại đặt chỉ số GCI ở mức cao như vậy thưa ông? Cơ sở, nguồn lực nào để Việt Nam có thể đặt ra mục tiêu về chỉ số GCI? (Độc giả Thanh Hà - TP.HCM)
Ông Nguyễn Khắc Lịch: Mục tiêu lọt vào nhóm 30 các nước dẫn đầu về chỉ số GCI là một mục tiêu đầy thách thức. Thực hiện mục tiêu này không phải là “ngày một, ngày hai” mà cần có một chiến lược và lộ trình thực hiện cụ thể. Tại Quyết định số 1226/QĐ-BTTT (ngày 21/7/2020) đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT phê duyệt, mục tiêu này cần đạt được trong 10 năm tới, xen giữa đó là mục tiêu lọt vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu vào năm 2025. Nếu so sánh xếp hạng của Việt Nam tại các bảng xếp hạng quốc tế uy tín trong những lĩnh vực khác nhau (ví dụ như bóng đá xếp hạng top 100, phát triển Chính phủ điện tử xếp hạng top 80) thì có thể thấy xếp hạng top 50 của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng là một điểm sáng và dấu hiệu tích cực. Phát triển và quản lý không gian mạng là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, và chúng ta còn nhiều dư địa để cải thiện và đạt được nhưng kết quả tốt hơn.
Trên cơ sở đó, Cục ATTT đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 1226 để hiện thực hóa mục tiêu với những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực theo mỗi giai đoạn 5 năm phù hợp với các tiêu chí đánh giá của ITU. Với sự quyết tâm và cam kết cao của Lãnh đạo Đảng, Lãnh đạo Chính phủ và Bộ TT&TT, chúng tôi tin rằng những mục tiêu đặt ra trong kế hoạch là hoàn toàn khả thi.
Viettel đã triển khai smart city ở một số tỉnh thành, địa phương. Vậy vấn đề bảo mật đang được đặt ra ở mức độ nào, ông có đưa ra cảnh báo khuyến nghị nào đối với việc xây dựng thành phố thông minh? (Độc giả Ngọc Anh - Vĩnh Phúc)
Ông Phan Hoàng Giáp: Trước hết, smart city có đặc thù số lượng hệ thống thiết bị, chia sẻ dữ liệu nhiều, cơ sở dữ liệu tập trung. Điều này tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ quan nhà nước và người dân, nhưng cũng tạo ra rủi ro về ATTT khi hệ thống bị tấn công, chiếm quyền điều khiển.
Vì thế, trong quá trình xây dựng smart city, chúng ta phải đầu tư giải pháp ATTT tổng thể bảo vệ hệ thống. Các tỉnh thành, địa phương cần quan tâm đến ATTT và tính toán xây dựng giải pháp ngay từ đầu, tham khảo các hướng dẫn bảo vệ Chính phủ điện tử theo mô hình 4 lớp mà Bộ TT&TT đã ban hành (theo HD235/CATTT-ATHTTT ngày 08/04/2020). Theo đó, các tổ chức triển khai bảo vệ 4 lớp gồm: lực lượng tại chỗ, giám sát bảo vệ chuyên nghiệp, kiểm tra đánh giá ATTT chuyên nghiệp, và kết nối chia sẻ thông tin tới hệ thống Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC).
Việc triển khai đồng bộ các hoạt động này sẽ giúp hình thành nền tảng giám sát và chia sẻ dữ liệu về ATTT trên quy mô cả nước, qua đó góp phần nâng cao chỉ số GCI. Viettel đã đồng hành với nhiều tỉnh thành, địa phương để xây dựng smart city, chúng tôi nhận thấy các tỉnh thành địa phương tương đối quan tâm tới vấn đề ATTT, trong đó Trung tâm Điều hành ATTT (SOC) luôn được coi là hạt nhân cấu thành quan trọng của smart city.
Là một đơn vị đang phân phối các sản phẩm an toàn thông tin cho nhiều hãng nước ngoài, đồng thời tham gia phát triển sản phẩm “Make in Vietnam”, VNCS nhìn nhận như thế nào về chất lượng của các sản phẩm, giải pháp Việt Nam so với thế giới? (Độc giả Vân Linh - Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Thành Đạt: Hiện tại các doanh nghiệp an toàn thông tin ở Việt Nam đã cung cấp tương đối nhiều giải pháp ra thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách chất lượng giữa sản phầm Việt Nam và thế giới, do số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm Việt Nam chưa nhiều. Trong khi đó, các sản phẩm quốc tế đã được sử dụng ở nhiều quốc gia nên họ có điều kiện để cải tiến, hoàn chỉnh cho sản phẩm, giải pháp của mình. Mong rằng trong thời gian tới, các khách hàng trong nước sử dụng sản phẩm an toàn thông tin “Make in Vietnam” nhiều hơn, vừa giúp tiết kiệm chi phí và cũng tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam bắt kịp và chinh phục thị trường toàn cầu.
Tôi có nghe nói Bộ GD&ĐT sẽ bắt buộc đào tạo tiếng Anh và CNTT cho học sinh từ lớp 3, vậy khi nào triển khai và lộ trình ra sao? (Độc giả Nguyễn Lê - Hà Nội)
Ông Tô Hồng Nam: Theo lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) thì từ năm học 2022-2023 bắt đầu áp dụng với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Hiện nay, Bộ GDĐT chỉ đạo các địa phương, nhà trường tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, giáo viên, bồi dưỡng giáo viên.
Hiện nay công nghệ Smarthome bắt đầu được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước nhưng nhiều người vẫn lo ngại về chuyện mất an toàn thông tin khi sử dụng công nghệ này, ông có khuyến cáo gì cho người dùng sản phẩm Smarthome? (Độc giả Hoàng Tuấn - Hà Nội)
Ông Ngô Tuấn Anh: Xu hướng sử dụng các công nghệ Smarthone sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tuy nhiên khi sử dụng Smarthome chúng ta sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bị kẻ xấu xâm nhập, kiểm soát, phát tán thông tin riêng tư, do vậy khi trang bị hệ thống Smarthome cho ngôi nhà của mình bạn cần chọn các nhà cung cấp có tên tuổi. Và đặc biệt, trong quá trình triển khai lắp đặt, cần yêu cầu đơn vị thi công có giải pháp bảo mật để tránh sự can thiệp trái phép của hacker. Ví dụ như: Thay dổi các tài khoản mặc định, triển khai những giải pháp bảo mật khi truy cập từ xa, tách riêng hệ thống điều khiển trung tâm Smarthome với hệ thống mạng gia đình.
![]() |
Ông Ngô Tuấn Anh: "Khi sử dụng Smarthome chúng ta sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bị kẻ xấu xâm nhập, kiểm soát, phát tán thông tin riêng tư" |
Tôi là giáo viên cấp 1 ở Phú Thọ, Dịch Covid vừa qua có rất nhiều công ty làm về nền tảng giáo dục trực tuyến chào mời, nhưng trường tôi lại chọn nền tảng của 1 doanh nghiệp nhỏ chứ không phải của VNPT hay Viettel, FPT. Vậy Bộ GD&ĐT có thống nhất về nền tảng giáo dục trực tuyến cho các trường hay không (Nguyễn Phương - Phú Thọ)
Ông Tô Hồng Nam: Theo dự thảo Thông tư ban hành Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã được đăng mạng xin ý kiến nhân dân vào ngày 11/8/2020, Bộ GD&ĐT quy định thống nhất về hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học trực tuyến (Chương 3 của dự thảo). Theo đó, Bộ sẽ quy định các yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống phần mềm quản lý và dạy học trực tuyến. Việc lựa chọn hệ thống cụ thể căn cứ vào nhu cầu, điều kiện của mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi nhà trường phù hợp với quy định hiện hành, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Nhận thức của lãnh đạo, cán bộ nhân viên cũng như người dùng vẫn được đánh giá là yếu tố cần luôn được quan tâm hàng đầu trong đảm bảo an toàn thông tin. Theo đánh giá của ông, yếu tố này hiện đã được cải thiện như thế nào? (Độc giả Hoàng Oanh - Hưng Yên)
Ông Nguyễn Thành Đạt: Cần nhấn mạnh rằng, nhận thức của lãnh đạo và người dùng là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn thông tin. Khi đi tiếp xúc với nhiều đơn vị, chúng tôi thấy họ đều nhận thức rất rõ vai trò của an toàn thông tin đối với hoạt động của mình. Rõ ràng đã có sự cải thiện rất lớn về mặt nhận thức của cấp lãnh đạo. Song vẫn còn một số đơn vị, thường là những cơ quan không chuyên về CNTT, khi được các cán bộ CNTT đề xuất thực hiện một số biện pháp đảm bảo an toàn thông tin thì không dễ dàng được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Vì thế, vấn đề nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin, nhất là cho lãnh đạo cần được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.
Hiện nay tại các địa phương, lĩnh vực ATTT chưa được đặt lên hàng đầu khi triển khai các dự án CNTT, vậy theo ông chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán này? (Độc giả Phương Trần - Thái Nguyên)
Ông Ngô Tuấn Anh: Trong Chỉ thị 14/2019 của Thủ tướng Chính phủ có quy định về tỷ lệ kinh phí cho các sản phẩm dịch vụ ATTT mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm. Tôi cho rằng đây là căn cứ cho các địa phương trong việc xây dựng, phê duyệt triển khai dự án CNTT. Thực hiện tốt điều này chúng ta sẽ có nguồn lực để đảm bảo cho an toàn thông tin, chi phí này so với những thiệt hại do sự cố mất an toàn thông tin là rất nhỏ.
Tôi thấy Chính phủ đề nghị thuê dịch vụ của các doanh nghiệp an toàn thông tin, nhưng thực tế thì địa phương vẫn muốn tự làm. Khi triển khai thực tế, các ông có gặp phải vấn đề này không? Cần làm gì để thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT trong đó có bảo mật theo chỉ đạo của Chính phủ? (Minh Anh – Hà Nội)
Ông Trần Nhật Minh: Các địa phương luôn muốn chủ động trong công tác bảo vệ và phòng thủ hệ thống của họ. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải là nguồn lực tại các địa phương. Các tỉnh thành cần phân tích một cách kỹ càng về khả năng đáp ứng của nhân sự. Từ đó phân loại công việc, việc nào có thể tự chủ động, việc nào cần thuê đơn vị bên ngoài để đảm bảo chất lượng công việc, hoàn thành chỉ thị được giao. Khi thuê dịch vụ CNTT, cần cân nhắc các doanh nghiệp CNTT đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc phát triển cũng như xây dựng giải pháp, quy trình vận hành cùng với đội ngũ chuyên gia có thể giúp giải quyết nhanh các vấn đề khó mà địa phương đang gặp phải đặc biệt là trong lĩnh vực ATTT.
Việt Nam đang dần hình thành hệ sinh thái các sản phẩm an ninh, an toàn mạng do doanh nghiệp trong nước phát triển, làm chủ. Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được hơn 70% chủng loại sản phẩm an toàn thông tin quan trọng, ông có bình luận gì về kết quả này? (Độc giả Hoàng Thanh, Bình Dương)
Ông Nguyễn Thành Đạt: Tôi cho rằng đây là kết quả nỗ lực rất lớn của Bộ TT&TT, Cục ATTT và các doanh nghiệp làm về ATTT. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần thời gian để các sản phẩm có thể cải tiến chất lượng. Hi vọng con số này sẽ sớm là 100% trong tương lai gần. Chúng tôi tin tưởng thế giới làm được sản phẩm gì, Việt Nam cũng có thể làm được sản phẩm tương tự như vậy.
Ông đánh giá thế nào về nhu cầu sản phẩm an ninh mạng, và xu hướng tương lai? (Độc giả Tú Hân - TPHCM)
Ông Nguyễn Hữu Trung: Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp tăng cao, các tổ chức dần triển khai dịch vụ, cung cấp sản phẩm qua Internet, vì thế nhu cầu bảo mật ngày càng tăng. Do thiếu hụt nhân sự an ninh mạng và doanh nghiệp cần tập trung cho chuyên môn kinh doanh nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ trọn gói (managed services) và thuê ngoài (outsourcing) tăng. Thị trường đang rất cần các giải pháp Giám sát an ninh hệ thống, phân tích và phản ứng sự cố, dịch vụ SOC, vận hành an toàn thông tin…
Sẽ có những sản phẩm mới ra đời và giải quyết được các hạn chế của sản phẩm cũ. Ví dụ, Bug bounty giải quyết được giới hạn chi phí so với Kiểm thử bảo mật truyền thống. Ngoài ra, các sản phẩm Threat Detection thế hệ mới (EDR) có thể thay thế giải pháp Antivirus truyền thống. EDR không chỉ giúp phát hiện virus, malware, mà còn có thể phát hiện tấn công có chủ đích (APT), phát hiện các bất thường trong mạng doanh nghiệp, thiết lập chính sách an toàn thông tin cho hệ thống... Xu hướng tiếp theo có thể sẽ phổ biến là giải pháp “Zero trust”, dựa trên ý tưởng rằng doanh nghiệp không mặc định tin tưởng bất kỳ đối tượng nào mà nhân viên hay thành phần hệ thống đang cố gắng kết nối. Thay vào đó, tất cả các truy cập đều phải được kiểm soát bởi một hệ thống xác thực bảo mật gọi là "Zero trust".
Tôi là giáo viên THCS ở Điện Biên, chúng tôi có môn tin học nhưng nhà trường lại không được trang bị máy tính nên học sinh phải học chay. Vậy Bộ GD&ĐT có chương trình hỗ trợ máy tính để dạy học sinh hay không? (Hoàng Loan - Điện Biên)
Ông Tô Hồng Nam: Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư hướng dẫn lập kế hoạch, lập dự toán mua sắm, thuê khoán trang thiết bị dạy học làm cơ sở để các địa phương đầu tư trang bị cơ sở vật chất cho các trường từ nguồn ngân sách của địa phương mình (bao gồm cả thiết bị CNTT, máy tính). Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang rà soát báo cáo Chính phủ và huy động các nguồn lực để hỗ trợ cơ sở vật chất cho những trường ở vùng khó khăn.
Tôi thấy trên truyền thông thì Việt Nam luôn là mục tiêu tấn công mạng của các đối tượng từ bên ngoài, theo quan sát của các ông thì hiện nay mức độ tấn công mạng vào Việt Nam như thế nào? Bộ TT&TT đã thúc đẩy vấn đề này, liệu chính sách đó đủ mạnh để chúng ta xử lý, ngăn chặn nguồn tấn công từ bên ngoài hay không? (Độc giả Hồng Thuý - Hà Nội)
Ông Ngô Tuấn Anh: Do tính chất kết nối mạng toàn cầu, tấn công mạng không phân biệt trong nước hay nước ngoài. Chúng ta không thể cấm việc hacker từ nước ngoài tấn công vào Việt Nam nhưng có thể nâng cao năng lực để tự bảo vệ trước những cuộc tấn công đó. Tấn công mạng sẽ không mất đi hoàn toàn, điều quan trọng là chúng ta chủ động trong việc bảo vệ, phòng chống, khắc phục giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và các doanh nghiệp đang mò mẫm trong lĩnh vực này, nhưng không ít doanh nghiệp lo ngại vấn đề bảo mật, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp, làm sao đảm bảo an toàn thông tin khi chuyển đổi số, thưa ông? (Độc giả Xuân Lâm - Đà Nẵng)
Ông Ngô Tuấn Anh: Quá trình chuyển đổi số tạo ra các tiện ích, giá trị cho người sử dụng cũng như lãnh đạo của đơn vị. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình tích hợp dữ liệu tập trung cũng như cung cấp tối đa các dịch vụ trực tuyến, đây sẽ là đích ngắm của hacker. Do vậy, để đảm bảo quá trình chuyển đổi số được diễn ra an toàn bảo mật, các doanh nghiệp cần lưu ý triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp, bao gồm: trang bị các giải pháp công nghệ, xây dựng các quy trình vận hành đảm bảo an ninh và đào tạo nâng cao nhận thức an ninh cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư tương xứng từ 5-10% chi phí trong toàn bộ dự án CNTT cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT.
ICTnews
![Chiều 30/10, ICTnews tổ chức tọa đàm nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng Việt Nam](https://ict-imgs.vgcloud.vn/2020/10/29/21/chieu-mai-toa-dam-giai-phap-nao-nang-cao-chi-so-an-toan-an-ninh-mang-cua-viet-nam.jpg?w=145&h=101)
Chiều 30/10, ICTnews tổ chức tọa đàm nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng Việt Nam
Vào 14h ngày 30/10/2020, ICTnews sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nào nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam?”. Độc giả có thể gửi câu hỏi cho các diễn giả ngay từ bây giờ.
(责任编辑:Thời sự)
Ngày 14/12/2019 lễ ra mắt dự án sang trọng Grandeur Palace - Giảng Võ đã diễn ra tại Tổ hợp khách sạn - căn hộ dịch vụ Oakwood Residence Hanoi. Đây là sự kiện giới hạn số lượng, dành cho “giới tinh hoa” - những chủ nhân tương lai của dự án đẳng cấp tại trung tâm Ba Đình.
Bữa tiệc diễn ra tại pool bar, tọa lạc tại tầng 16 của Oakwood Residence với tầm nhìn 360 độ toàn cảnh Hồ Tây. Trong tiếng nhạc cổ điển, hòa quyện hài hòa cùng ánh sáng lung linh, khách hàng thực sự đã có những giây phút thư giãn giàu cảm xúc.
Tư vấn viên giới thiệu đến khách hàng dự án đắt đỏ bậc nhất thủ đô Để có được một bữa tiệc hoàn hảo, chủ đầu tư đặc biệt quan tâm đến từng chi tiết nhỏ như gửi tới khách hàng thư cảm ơn đóng dấu mộc theo phong cách quý tộc phương Tây, được viết tay bởi những nghệ nhân thư pháp, hay gửi tặng khách hàng món quà lưu niệm sang trọng, mang dấu ấn đặc trưng…
“Grandeur Palace - Giảng Võ là dự án mang lại ấn tượng về tính quyền lực, sang trọng nhưng vẫn tinh tế và tràn ngập hơi thở đương đại. Có rất nhiều dự án trên thị trường quảng bá về chuẩn mực sống cao cấp, nhưng Văn Phú - Invest tin rằng, giá trị thực luôn có chỗ đứng và chỉ dành hữu hạn cho những người đẳng cấp”, ông Trần Minh Thắng - Giám đốc Kinh doanh Miền Bắc - Văn Phú - Invest chia sẻ.
Ông Trần Minh Thắng - Giám đốc Kinh doanh Miền Bắc của Văn Phú - Invest Buổi tiệc khép lại với nhiều giao dịch thành công thể hiện sự quan tâm của khách hàng tham dự. Đây được xem là điểm sáng của thị trường BĐS cuối năm, đặc biệt đối với phân khúc sang trọng ở quận nội đô, vốn luôn khan hiếm.
Grandeur Palace - Giảng Võ nằm tại số 138B trên mặt đường Giảng Võ, Ba Đình, là tuyến phố trung tâm sầm uất, sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội. Chủ đầu tư Văn Phú - Invest dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng dự án tại mảnh đất vàng hiếm có này, tạo nên dấu ấn khác biệt thông qua kiến trúc, quy hoạch cảnh quan và dịch vụ tiện ích.
Dự án là một khu tổ hợp khép kín với phần thấp tầng được xây dựng theo lối tân cổ điển Châu Âu đầy uy quyền, cầu kỳ, kết hợp cùng một tháp cao 22 tầng được bao phủ bởi kính low-e cao cấp, làm nên một quần thể với thiết kế độc bản, được xem như di sản kiến trúc mới lạ tại Thủ đô.
Tính sáng tạo còn được thể hiện qua hệ thống giao thông ngầm nằm dưới lòng dự án, là nơi các phương tiện có thể di chuyển thuận lợi mà không ảnh hưởng tới khuôn viên, cảnh quan phía trên, là điều hiếm dự án nào có được.
Phối cảnh dự án Grandeur Palace - Giảng Võ Chủ đầu tư Văn Phú - Invest cung cấp đa dạng dịch vụ tiện ích với việc đề cao tính cá nhân để thỏa mãn tối đa nhu cầu riêng tư của những khách hàng thuộc phân khúc hạng sang. Đơn cử, gia chủ sẽ được hưởng đặc quyền đưa đón bằng những dòng xe cao cấp hàng đầu trên thế giới và dịch vụ quản gia chuyên nghiệp.
Hơn thế, dự án còn cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như tổ chức tiệc tại gia, dịch vụ đặt vé máy bay, đặt tour du lịch, bác sĩ tại nhà, chăm sóc cây và hoa thường nhật… với đội ngũ nhân viên phục vụ được đào tạo bài bản, thành thạo ngoại ngữ, thông thuộc các quy tắc ứng xử thượng lưu hứa hẹn sẽ làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất.
Cư dân Grandeur Palace - Giảng Võ còn được thừa hưởng nhiền tiện ích cộng đồng, nằm tập trung tại tháp cao tầng hiện đại như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi, phòng gym, spa, sauna cao cấp, cigar bar, business lounge thượng hạng…
Đặc biệt, trên tầng 21 của tòa tháp là bể bơi vô cực thông tầng với sky bar, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến của giới tinh hoa. Tất cả được Văn Phú - Invest dày công tạo dựng nhằm mang đến một cuộc sống đủ đầy các giá trị vật chất và tinh thần, giúp chủ nhân luôn có những phút giây thư giãn, gạt bỏ mọi ồn ào, vội vã sau cánh cổng chào dự án.
Website: grandeurvanphu.vn
Hotline: 094 812 5151 - 093 371 8555
Lan Anh
" alt="Căn hộ ‘triệu đô’ vẫn đắt khách" />Căn hộ ‘triệu đô’ vẫn đắt kháchCó mục đích ban đầu là nâng cao trải nghiệm cho những người dùng có vấn đề về thị giác trên Facebook, nền tảng Lumos đã được mở rộng cho tất cả mọi người. Điều đó đồng nghĩa bạn có thể tìm kiếm ảnh trên Facebook bằng từ khóa mô tả nội dung trong ảnh. Để làm được như vậy, Facebook triển khai mạng lưới trên hàng chục triệu tấm ảnh.
Sau khi khớp mô tả với những gì xuất hiện trong ảnh, thuật toán xếp hạng kết quả dựa trên thông tin từ cả ảnh và tìm kiếm gốc. Một điều may mắn là bạn không nhìn thấy 50 ảnh kết quả về cùng một vật thể với sự khác biệt nhỏ về góc độ hay thu phóng. Theo TechCrunch, sau này Facebook sẽ ứng dụng công nghệ cho cả video.
" alt="Facebook cho tìm kiếm hình ảnh bằng từ khóa" />Facebook cho tìm kiếm hình ảnh bằng từ khóa" alt="Dùng sạc rởm, game thủ nhận cái chết tức tưởi ngoài quán net" />Dùng sạc rởm, game thủ nhận cái chết tức tưởi ngoài quán net
HTC 10 (tên máy không có chữ One hay M như những model trước đây) có tất cả mọi thứ bạn kỳ vọng ở một chiếc smartphone Android cao cấp trong 2016. Máy có màn hình 5,2 inch độ phân giải QHD tấm nền Super LCD có khả năng hiển thị nhiều hơn 30% màu sắc so với model tiền nhiệm. Màn hình được bảo vệ bởi kính Gorilla Glass với các cạnh cong dần vào phần khung kim loại.
HTC 10 được trang bị chip Qualcomm Snapdragon 820, 4 GB RAM - cấu hình "chuẩn" của nhiều smartphone Android cao cấp trong 2016. Máy còn có 32 GB bộ nhớ lưu trữ cùng khe cắm thẻ microSD. HTC nói rằng, hãng đã tối ưu phần mềm và phần cứng của máy để tăng khả năng phản hồi cảm ứng. Kết quả là smartphone 10 nhạy hơn tới 50% so với One M9. Các thông số kỹ thuật khác gồm pin dung lượng 3.000 mAh mà theo HTC sẽ cho thời gian sử dụng 2 ngày nhờ việc tối ưu phần cứng với phần mềm. Máy hỗ trợ công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0 qua cổng USB Type-C.
HTC 10 có thiết kế tương tự cả M9 và A9, và câu có thể mô tả chính xác nhất thiết kế của máy đó là một sự pha trộn giữa 2 smartphone này. Model mới dùng thiết kế toàn nhôm. Bên dưới màn hình chúng ta có một cảm biến vân tay, còn hai bên cảm biến này là nút back và recent apps (nút hiển thị các ứng dụng bạn mới mở gần đây). Như vậy, đây là một sự thay đổi của HTC, khi mà các model cao cấp trước đây của hãng sử dụng nút điều hướng trên màn hình. HTC 10 về cơ bản trông rất bắt mắt và không có gì đáng để chê bai, tuy nhiên, thiết kế của máy thì còn lâu mới có thể gọi là đột phá. Một điểm khác về thiết kế cũng đáng chú ý: Ít nhất máy trông không giống chiếc iPhone của Apple.
Smartphone cao cấp của HTC trước đây thường bị chê bai về camera, và model năm nay hứa hẹn sẽ khắc phục được điểm yếu đó. Camera sau của HTC 10 có độ phân giải 12 MP ống kính f/1.8 hỗ trợ ổn định hình ảnh quang học hứa hẹn chụp thiếu sáng tốt hơn so với các model tiền nhiệm. Camera sau còn được trợ sáng với 2 đèn flash LED và hệ thống lấy nét laser thế hệ thứ 2. Nó cũng hỗ trợ quay video 4K với âm thanh 24-bit chất lượng cao.
Camera trước của máy cũng được nâng cấp lên 5 MP, ống kính góc rộng f/1.8 và hỗ trợ ổn định hình ảnh quang học, cũng hứa hẹn cho ảnh chụp selfie ở điều kiện thiếu sáng có chất lượng tốt.
Một trong những tính năng hoàn toàn mới trên HTC 10 là hệ thống âm thanh chất lượng cao. Máy có một bộ khuyếch đại cho tai nghe (headphone amp) có thể xuất âm thanh lớn hơn 2 lần so với các smartphone khác. Máy còn có thể upscale âm thanh lên chất lượng 24-bit, và HTC còn phát triển tính năng profile âm thanh tùy biến giúp chỉnh âm thanh phù hợp với tai của người dùng. Trong hộp đựng máy chúng ta sẽ có tai nghe đạt chứng chỉ Hi-Res (độ phân giải cao), và HTC cũng đã hợp tác với hãng JBL để sản xuất một bộ tai nghe chống ồn cho máy. Một tính năng "độc" nữa của model này là nó có thể phát âm thanh không dây qua các loa đạt chứng nhận AirPlay của Apple. Đây cũng là smartphone Android đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Có lẽ một trong những thay đổi lớn nhất của HTC 10 nằm ở phần mềm, khi mà máy được trang bị hệ điều hành Android gần giống "nguyên bản" của Google thay vì bị HTC tùy biến. HTC nói rằng hãng đã hợp tác với Google để giảm thiểu các ứng dụng bị trùng lặp, và HTC quyết định dùng luôn các ứng dụng cơ bản của Google như lịch, ảnh, nhạc. Tuy nhiên, các app mail, camera, và nhắn tin vẫn là do HTC phát triển. Giao diện trên máy, vì vậy, khá giống với giao diện trên các thiết bị dòng Nexus của Google. Hãng smartphone Đài Loan cũng đã thiết kế lại các ứng dụng để phù hợp với ngôn ngữ Material Design mà Google áp dụng từ Android 5.0 trở về sau.
Dựa vào những gì HTC công bố, có thể nói smartphone 10 có vẻ như không phải là chiếc smartphone có thiết kế hay nhiều tính năng mới. Nó không sở hữu công nghệ nào quá đột phá hay có những tính năng có thể làm thay đổi cách sử dụng smartphone hiện nay. Máy đơn giản chỉ là sự tinh chế dựa trên các ý tưởng và concept mà HTC có trong thời gian qua, và rất có thể đây là chiếc model tốt nhất của hãng từ trước tới nay.
HTC 10 sẽ lên kệ vào tháng sau với giá 699 USD, và sau đó chúng ta có thể biết được máy có đủ để cứu giúp con thuyền HTC đang dần bị "đuối" hay không. Model này sẽ có các màu sắc để chọn lựa gồm đen và bạc ở thị trường Mỹ, thêm màu gold ở thị trường quốc tế, và màu đỏ đặc biệt dành cho người dùng Nhật Bản. HTC cũng cho đặt hàng trước bản không khóa mạng của smartphone 10 qua store trực tuyến của hãng từ hôm nay.
Một số hình ảnh sản phẩm:
" alt="HTC 10: Chiếc smartphone hiện đại với thiết kế đã cũ" />HTC 10: Chiếc smartphone hiện đại với thiết kế đã cũBài chia sẻ với Bloomberg của Niall Ferguson, Giáo sư lịch sử tại Đại học Harvard, nhà sáng lập kiêm CEO hãng tư vấn kinh tế Greenmantle tại New York (Mỹ) đã cảnh báo việc để Trung Quốc dẫn đầu lĩnh vực tiền điện tử.
Nếu chơi game Fortnite, bạn sẽ biết đến V-Bucks, loại tiền ảo trong game để mua vật phẩm, trang phục cho nhân vật. Rất nhiều game cũng sử dụng tiền ảo với tên gọi riêng, có thể mua bằng cách nạp tiền thật. Đó là một trong nhiều loại tiền hiện đại trên Internet.
Những tác phẩm khoa học viễn tưởng thường dự đoán khá đúng về nền công nghệ tương lai, nhưng tiền tệ thì không hoàn toàn chính xác. Trong cuốn sách Neuromancer(1984) của William Gibson, tiền giấy vẫn tồn tại nhưng chỉ dùng cho các giao dịch bất hợp pháp. Tác phẩm Snow Crash(1992) của Neal Stephenson mô tả siêu lạm phát tàn phá đồng USD đến mức “người đi đường đẩy xe chất hóa đơn hàng triệu, hàng tỷ USD được cào từ miệng cống”.
Tầm nhìn về tiền tệ dường như cũng diễn ra trong các cơ quan hoạch định chính sách tại Mỹ, đặt ra thách thức lớn trước Trung Quốc. Không chỉ đánh giá thấp mối đe dọa từ lĩnh vực thanh toán trực tuyến và tiền mã hóa, họ cũng chẳng bận tâm đến kế hoạch tạo ra đồng nhân dân tệ điện tử của đất nước tỷ dân.
Chỉ cách đây một năm, giá Bitcoin vẫn loanh quanh mức 4.000 USD thì bây giờ, nó đã vượt qua 50.000 USD. Ảnh: Key Coin Assets.
Sự bùng nổ của các loại hình tài chính mới
Bắt đầu với Bitcoin, loại tiền không ai nghĩ rằng sẽ vượt ngưỡng 50.000 USD/đồng như hiện nay. Năm 2008, nhân vật bí ẩn tên Satoshi Nakamoto đã tung ra Bitcoin, một "phiên bản ngang hàng của tiền điện tử (electronic cash), cho phép giao dịch trực tiếp các khoản thanh toán trên Internet từ một bên sang bên khác mà không thông qua tổ chức tài chính".
Để khai thác Bitcoin, người ta sẽ dùng máy “đào”, giải quyết vấn đề tính toán cho phép liên kết các khối giao dịch (blockchain). Bài toán được giải đồng nghĩa một lượng Bitcoin mới sẽ được trao, còn gọi là phần thưởng khối. Cứ 4 năm một lần, giá trị phần thưởng khối sẽ giảm đi một nửa (Bitcoin halving) để hạn chế lạm phát, cho đến khi 21 triệu Bitcoin được khai thác hết.
Chỉ cách đây một năm, giá Bitcoin vẫn loanh quanh mức 4.000 USD thì bây giờ, nó đã vượt qua 50.000 USD, có thời điểm vươn lên hơn 60.000 USD.
Việc Bitcoin được quan tâm đến từ bản chất "độc lập" (không bị kiểm soát, không ai sở hữu hay khai thác quá nhiều), sự khan hiếm (chỉ có 21 triệu BTC tồn tại) và hệ thống giám sát thông minh, ổn định. Một số công ty công nghệ như Square, PayPal và Tesla đã đầu tư Bitcoin. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp đang xem Bitcoin là một phần hợp pháp của hệ thống tài chính như Visa, Mastercard. Sự chấp nhận, tích hợp Bitcoin vào hệ thống thanh toán truyền thống đã đẩy giá loại tiền này tăng cao.
Trong khi Bitcoin ngày càng được chú ý, các nhà đầu tư trẻ còn tham gia thị trường tài chính phi tập trung (DeFi), cho phép vay tiền hoặc sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống dựa trên blockchain. Giống như Bitcoin, DeFi không có hệ thống xác minh tập trung hay bị bên thứ 3 kiểm soát. Fabian Schaer từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis (Mỹ) cho biết đây là hệ thống đa dạng với nhiều loại tiền, token, thị trường và giao thức quản lý tài sản.
"DeFi có thể khiến mô hình tài chính thay đổi, góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng tài chính mạnh mẽ, cởi mở và minh bạch hơn", Schaer cho biết.
Sự phổ biến của tiền mã hóa dẫn đến trào lưu giao dịch vật phẩm NFT (token không thể thay thế). Ảnh: BBC.
Theo Pier Kicks, với sự phát triển của Bitcoin và DeFi, chúng ta đang đạt đến "Metaverse" - một "hệ thống tài chính tự chủ, nền kinh tế mở sáng tạo với những người sở hữu tài sản kỹ thuật số thông qua NFT (token không thể thay thế)". Thời gian gần đây, NFT được chú ý nhiều hơn khi bức ảnh có tên Everydays: the First 5.000 Days, được bán với giá 69,3 triệu USD.
Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ Bitcoin, DeFi hay NFT. Các nhà kinh tế học như Nouriel Roubini liên tục dự đoán rằng Bitcoin sẽ sụp đổ. Chuyên gia Ray Dalio nhận định chính phủ có khả năng cấm loại tiền này, khiến nó trở nên rất nguy hiểm để sử dụng. Môi trường cũng là điều được nhắc đến, bởi khai thác và giao dịch Bitcoin đòi hỏi tiêu thụ điện.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính sách của ông có thể khiến tiền tệ truyền thống và các mô hình tài chính mới cạnh tranh lẫn nhau. Chính phủ Mỹ đang đề xuất gói đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỷ USD, bên cạnh chính sách xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất".
Những quyết định trên dựa vào việc đồng USD, trái phiếu Mỹ đang là một trong những tài sản an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, chúng đang bị đe dọa bởi hệ thống tài chính mới, về cơ bản không bị kiểm soát bởi Cục Dự trữ Liên bang (FED) hay Kho bạc Nhà nước Mỹ.
Đó là một trong những lý do khiến Ray Dalio dự đoán chính phủ Mỹ sẽ cấm Bitcoin và các loại tiền mã hóa. Phần lớn chính trị gia Mỹ vẫn cho rằng Bitcoin không an toàn. Năm 2020, báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp William Barr từng ghi rằng "Tiền mã hóa tạo điều kiện cho kẻ xấu và các quốc gia trục lợi". Những người ủng hộ Bitcoin trong chính trường, chẳng hạn như Thị trưởng Miami, Francis Suarez, vẫn chiếm thiểu số.
Tại nước ngoài, không ít quốc gia đã ban lệnh hạn chế, thậm chí cấm hoàn toàn giao dịch tiền mã hóa. "Chúng tôi phải đảm bảo độc quyền tiền tệ nằm trong tay quốc gia", Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tuyên bố trong một hội nghị G7 vào tháng 12/2020. Trước đó vào năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã hạn chế khả năng mua Bitcoin của người dân, mặc cho hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra rầm rộ.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu về blockchain và tiền mã hóa. Ảnh: Tech Spot.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Tiền được cho là phương tiện trao đổi thuận lợi, với 3 chức năng chính gồm loại bỏ sự kém hiệu quả của hình thức hàng đổi hàng, thuận lợi cho việc định giá/tính toán và khả năng lưu trữ cho các giao dịch kinh tế.
Dù Bitcoin vẫn bị xem là tài sản đầu cơ nhưng trên thực tế, nó đã đảm nhiệm 2 trong 3 chức năng cơ bản của tiền, gồm tính thuận lợi trong định giá và khả năng lưu trữ.
Manny Rincon-Cruz, sử gia trong lĩnh vực tài chính của Viện Hoover, cho rằng hầu hết hình thức tiền tệ chỉ cần đảm nhiệm tốt 2 trong 3 chức năng cơ bản của tiền, rất khó hoặc không thể làm được cả 3. Bitcoin không phải phương tiện trao đổi lý tưởng bởi nguồn cung hạn chế, nhưng đó không phải trở ngại lớn. Suy xét theo nhiều góc độ, đó thậm chí là lợi thế của Bitcoin.
Nói cách khác, Bitcoin, Ethereum và các loại tiền mã hóa được xem là "tiền không phụ thuộc quốc gia" (stateless money). Việc đảm nhiệm tốt 2 trong 3 chức năng cơ bản của tiền khiến việc cấm chúng mang đến tác dụng rất ít, trừ khi mọi chính phủ trên thế giới đồng loạt cấm.
Do đó, câu hỏi là chính phủ Mỹ có thể ra đời tiền mã hóa như Bitcoin hay không. Đó là lĩnh vực đang được Trung Quốc nghiên cứu khai thác. Từ lâu, đất nước tỷ dân đã đi đầu thế giới về thanh toán điện tử. Năm 2020, khoảng 58% người dân Trung Quốc sử dụng thanh toán di động. Tiền giấy, thẻ tín dụng tại Trung Quốc dần chuyển sang smartphone và mã QR.
Dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn dè chừng trước quy mô của các nền tảng thanh toán trực tuyến. Năm ngoái, nước này đã hạn chế hoạt động của Ant Group, chủ sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thúc đẩy kế hoạch tạo ra đồng nhân dân tệ điện tử của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Khi đại dịch bùng phát, đó là cơ hội để PBOC thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử ở 3 thành phố lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên trái với tính phi tập trung của blockchain, đồng nhân dân tệ điện tử vẫn là hệ thống tập trung với 2 cấp. Điều đó đồng nghĩa PBOC sẽ phân phối tiền này cho ngân hàng, các ngân hàng chịu trách nhiệm đưa chúng đến người dùng.
Những nền tảng thanh toán trực tuyến cũng có thể tham gia hệ thống, làm trung gian cho các giao dịch. Người dân có thể "rút" nhân dân tệ điện tử từ ATM vào smartphone. Hệ thống này thậm chí hoạt động khi không có kết nối Internet, thông qua "công nghệ ngoại tuyến kép" (dual offline technology).
Dự án đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc có thể đe dọa USD trong các giao dịch quốc tế. Ảnh: Coindesk.
Hệ thống nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc không chỉ bảo vệ đất nước trước đe dọa từ tiền mã hóa, nó còn đảm bảo tất cả giao dịch của người dân được kiểm soát. Hệ thống này sẽ thách thức sự thống trị của USD trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới.
Trong khi Trung Quốc đang nghiên cứu loại tiền điện tử quốc gia, Mỹ vẫn chưa có động tĩnh gì. Jay Powell, Chủ tịch FED cho biết một số quan chức đang làm việc với Viện Công nghệ Massachusetts để nghiên cứu tính khả thi của đồng USD điện tử, nhưng khẳng định "không cần phải vội vàng".
Trong số hơn 60 ngân hàng trung ương được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế khảo sát vào năm ngoái, có 60% bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống tiền điện tử quốc gia, bao gồm Campuchia hay Bahamas. Ngay cả Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng không phủ nhận quan điểm, dù người đứng đầu Bundesbank Jens Weidmann lo rằng đồng euro điện tử có thể khiến các ngân hàng yếu kém sụp đổ, trừ khi áp dụng mô hình phân cấp như Trung Quốc.
Rõ ràng Trung Quốc đang xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế thay cho đồng USD, nhưng Mỹ có vẻ "không vội vàng" trước tín hiệu này. Cũng không ai nghĩ đến việc tích hợp Bitcoin vào hệ thống tài chính của Mỹ mà chỉ nghi ngờ về nó.
Theo Zing/Bloomberg
Nhà Trắng thanh trừng công nghệ Trung Quốc bằng “danh sách đen”
Việc Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa 7 siêu máy tính Trung Quốc vào “danh sách thực thể” sẽ khiến ngành công nghiệp bán dẫn chịu ảnh hưởng không nhỏ.
" alt="Giáo sư Mỹ: ‘Đừng để tiền mã hóa rơi vào tay Trung Quốc’" />Giáo sư Mỹ: ‘Đừng để tiền mã hóa rơi vào tay Trung Quốc’
- Truyện Thánh Khư
- 4 bước để đọc thông số một bức ảnh
- Những nhân vật nữ xinh đẹp nhất trong Naruto
- Apple dự đoán iPhone có tuổi thọ 3 năm
- Góp sức thành công cho Festival Huế
- Garena thực sự chỉ khóa những game thủ dùng mod skin?
- Apple sẽ trình làng3 máy tính bảng mới trong năm 2017
- Ngân hàng tăng cường an ninh cho ngân hàng điện tử dịp Tết Đinh Dậu 2017
-
Truyện Tôi Nổi Điên Ở Tiểu Thuyết Tương Lai Ngược Thụ
Đi trong môi trường lạ lẫm, Từ Thanh Nhiên không khỏi đảo mắt nhìn xung quanh vài lần.
Thiết kế nội thất tràn ngập sự lãng mạn mơ mộng.
Tường chủ yếu là tông màu xanh nhạt và hồng nhạt với các hình ảnh hoạt hình về linh hồn bạn đời và khẩu hiệu có thể thấy ở khắp nơi. So với hầu hết các cơ quan chính phủ, bầu không khí tổng thể ở đây thoải mái và tự do hơn nhiều.
Khi đi qua, cậu còn thấy một số nhân viên dựa vào cửa văn phòng của trưởng bộ phận, vừa uống cà phê vừa trò chuyện cười đùa.
Dường như ngay cả không khí cũng ngọt ngào.
Ngoài nhân viên ra, còn có nhiều cư dân Đế quốc ra vào để tham vấn về vấn đề linh hồn bạn đời. Bên trong thậm chí còn có các cơ sở tư vấn hôn nhân, sắp xếp hôn nhân và các hoạt động kết bạn cho người độc thân... Tóm lại, đa dạng đủ loại.
"Cậu Từ, nhân viên phụ trách của chúng tôi sẽ đến tiếp đón cậu ngay, xin cậu vui lòng đợi ở đây một lát nhé."
Từ Thanh Nhiên được đưa vào một phòng tiếp khách.
Vài chiếc ghế sofa màu sẫm, bàn trà màu xám trắng và một chiếc TV đang phát sóng quảng cáo về Hệ thống Linh hồn Bạn đời. Phòng lớn kế bên có thể nhìn thấy một số thiết bị y tế và máy móc đặc biệt qua cửa sổ kính trong suốt, có lẽ đó là phòng làm việc.
Nhân viên mang cho cậu đồ uống xong rời đi.
Từ Thanh Nhiên đang trả lời tin nhắn điện thoại.
Toàn là tin nhắn từ Thích Hòa Khiêm và những người quen biết ở học viện gửi đến, họ nghe tin về vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Vân Thiên Lâu từ bản tin sáng nay, nên đều chạy đến hỏi thăm tình hình của cậu.
Từ Thanh Nhiên không chủ động nói với họ về bữa tiệc gia đình, nhưng không chịu nổi việc những người này cứ ba ngày một lần năm ngày một lượt hỏi cậu gần đây có kế hoạch gì không.
Cậu trả lời thống nhất: "Có việc nhỏ thôi."
Rồi nhận được một loạt: ? ? ?
"... Nghiên cứu cho rằng, linh hồn con người có thể đến từ những thế giới khác nhau, không gian khác nhau, thậm chí là những chiều không gian khác nhau."
Sau khi quảng cáo trên TV kết thúc một vòng lại bắt đầu lại, vừa hay đến phần giới thiệu và giải thích về linh hồn.
Từ Thanh Nhiên nghe thấy câu nói dường như ngụ ý về sự tồn tại của việc xuyên không này, vô thức ngẩng đầu lên.
Lồng tiếng phối hợp với nhân vật hoạt hình đáng yêu bên trong nói: "Nhà nghiên cứu linh hồn nổi tiếng đương đại ngài Trịnh Bách từng đưa ra luận điểm, cho rằng linh hồn rất giống với năng lượng. Giống như định luật bảo toàn, không sinh không diệt, thông thường cái chết trong nhận thức của chúng ta chỉ có thể xác là mất đi còn linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại dưới một hình thức khác."
"Theo lý thuyết về không gian và chiều không gian, thế giới mà linh hồn có thể đi đến là vô hạn."
"Và trong thế giới vô hạn xác suất để hai linh hồn có độ tương hợp cao gặp nhau trong thế giới chúng ta đang sống, thậm chí cùng một quốc gia là nhỏ nhoi đến nhường nào."
"Linh hồn kết nối bởi một sợi chỉ mỏng manh, hãy trân trọng mối duyên này."
Từ Thanh Nhiên: "..."
Hóa ra chủ đề này, cuối cùng vẫn phải quay về chuyện yêu đương.
Cửa phòng tiếp khách rất nhanh lại được đẩy ra từ bên ngoài.
Tạ Thiệu Minh dẫn theo Tạ Nam Y cùng với các nhân viên khác mặc đồng phục của bộ phận Linh hồn Bạn đời bước vào.
Tạ Thiệu Minh trông rất phấn chấn, có vẻ gần đây công việc tiến triển đều tốt.
Tạ Nam Y vẫn nhiệt tình như vậy: "Từ Thanh Nhiên, chúng ta lại gặp nhau rồi!"
Từ Thanh Nhiên đáp lại lời chào của họ, rồi hỏi với vẻ nghi hoặc: "Các người không phải là ở viện nghiên cứu sao? Sao tôi chỉ làm một cuộc kiểm tra độ tương thích linh hồn mà các người cũng đến?"
Tạ Nam Y bĩu môi than phiền: "Cậu không biết đâu, sau khi cậu rời đi ba tôi cứ nhìn chằm chằm vào dữ liệu của cậu, nói rằng linh hồn cậu thị rất đặc biệt. Nghe nói cậu muốn làm một lần ghép đôi nữa với những người loại E, ông ấy cứ nằng nặc đòi đến thu thập dữ liệu, còn đánh cược với người của phòng làm việc rằng dữ liệu kết nối của cậu chắc chắn cũng rất kỳ diệu!"
"Còn về phần tôi." Tạ Nam Y cười hì hì, vén mái tóc đuôi ngựa vàng óng nói, "Tôi là thiên tài Tạ Nam Y mà, đương nhiên là nghiên cứu song song rồi, kết nối linh hồn cũng nằm trong phạm vi công việc của tôi!"
"Chuyên gia có thẩm quyền nhất về hệ thống kết nối linh hồn hiện nay là Trịnh Bách, thầy của tôi đấy... Chính là ông già mà lần trước cậu đã gặp ấy!"
Từ Thanh Nhiên nhớ ra vị Trịnh lão tiên sinh đó.
Tạ Nam Y một khi đã mở miệng là có thể nói liên tục rất nhiều: "Chỉ là bây giờ tuổi càng cao càng lười biếng, gần đây lại đi du lịch nước ngoài rồi, không biết khi nào mới về."
"Nhưng tôi học rất nhanh, hầu hết những ông ấy dạy tôi đều đã nắm vững, thậm chí Thẩm Đình Dục trước đây --"
Nói đến đây, cô đột ngột dừng lại.
Biểu cảm của Tạ Nam Y, giống như một robot đột nhiên bị ngắt dây điện vậy, cứng đờ.
Từ Thanh Nhiên ngẩng mắt lên, nghi hoặc hỏi: "Thẩm Đình Dục làm sao?"
Tạ Nam Y suýt nữa thì buột miệng nói ra chuyện có khả năng sửa đổi mẫu chip và việc cô còn lén lút giúp Thẩm Đình Dục sửa một lần.
Cô gấp đến mức suýt nữa cắn phải lưỡi mình.
Tạ Nam Y vội vàng tìm cách bổ sung: "... Không có gì, chỉ là, Thẩm Đình Dục cậu cũng biết đấy, cảnh giác cao và rất khó đối phó. Trước đây, việc kiểm tra sức khỏe thể chất và linh hồn của cậu ta và Thiên Dật đều do tôi và bố tôi làm giúp cho!"
Từ Thanh Nhiên im lặng một lúc, rồi bình luận: "Đúng thật."
Tạ Nam Y thầm thở phào nhẹ nhõm.
Chợt nhớ ra chuyện cô đã lo lắng suốt nửa ngày.
Nghe nói tất cả dữ liệu mới nhất của những người loại E chưa có bạn đời trong Đế quốc đều đã được tải lên hệ thống kết nối ở đây.
Mặc dù lần này đối tượng kết nối bổ sung của Từ Thanh Nhiên chỉ có loại E, nhưng Thẩm Đình Dục vừa hay lại là loại E!
Bấy giờ Tạ Nam Y lo gần chết.
Chuyện lớn như vậy mà Thẩm Đình Dục không báo trước với cô, Từ Thanh Nhiên đột nhiên lại đến. Có nhiều nhân viên như vậy ở đây cô chắc chắn không thể can thiệp nữa, trên đường đến đây cô vẫn liên tục gọi điện cho Thẩm Đình Dục, anh cũng không nghe máy.
Còn tưởng anh sẽ đi cùng Từ Thanh Nhiên, kết quả lại không có!
Trong lúc đang mãi suy nghĩ, Tạ Thiệu Minh và những người khác đã mở khóa cửa dẫn vào phòng làm việc bên cạnh, mời Từ Thanh Nhiên vào để lấy mẫu thông tin linh hồn.
Tạ Nam Y nhìn chằm chằm vào bóng lưng họ, thở dài trong lòng.
Thôi vậy, cứ để mặc số phận vậy. Nói không chừng là Thẩm Đình Dục đang rung động trong lòng, cây sắt nở hoa, định thử với Từ Thanh Nhiên nên mới không có động tĩnh gì?!
Ngay lúc này đây, Thẩm Đình Dục đang được nhắc đến, vừa mới đến đồn cảnh sát nơi giam giữ Trương Hồng Diễm.
Ngay tại cổng vào của đồn cảnh sát, anh gặp một người quen khác.
Lục Thành ngẩng đầu lên, ánh mắt chạm phải anh, trước tiên là ngạc nhiên, sau đó nhíu mày bất mãn nói: "Thẩm Đình Dục, sao anh lại ở đây?"
Hắn khá rất bất ngờ khi thấy anh xuất hiện ở nơi này vào thời điểm này.
Thẩm Đình Dục cười nhạt đáp lại: "Vậy tại Lục Thiếu tướng lại đến đây?"
Lần đầu tiên, Lục Thành cảm nhận rõ ràng sự lạnh lùng và ghét bỏ không hề che giấu từ Thẩm Đình Dục.
Hắn ngập ngừng một chút, biết rằng mình hiện giờ không thể ngẩng đầu lên trước mặt anh và Từ Thanh Nhiên, chỉ có thể lạnh lùng nói: "Tất nhiên tôi đến đây để tìm Trương Hồng Diễm, làm rõ chuyện giữa cô ta và Thanh An."
Ngày hôm đó tại Vân Thiên Lâu, khi biết được sự thật, hắn quả thật rất tức giận, thậm chí đã suy luận ra kết quả từ nhiều phương diện, gần như chắc chắn về sự thật.
Chỉ là sau khi về nhà suy nghĩ bình tĩnh một thời gian, hắn cảm thấy dù có muốn kết tội Từ Thanh An thì cũng phải làm cho rõ ràng. Vì vậy hắn cố ý đến đây một chuyến muốn nói chuyện với Trương Hồng Diễm cũng như hỏi về bằng chứng.
Hơn nữa, Từ Thanh An cũng đã bị giam giữ tại nơi này.
Lục Thành vừa suy nghĩ xong với tâm trạng nặng nề đã nghe Thẩm Đình Dục nói nhạt: "Trùng hợp thật, tôi cũng đến gặp Trương Hồng Diễm."
Nghe vậy, hắn nghi ngờ hỏi: "Anh tìm bà ta làm gì?"
Song Thẩm Đình Dục không có ý định trả lời hắn, trực tiếp sải chân bước qua hắn đi vào đồn cảnh sát trước.
Lục Thành không chịu thua kém, nhanh chóng đuổi theo.
Sau đó hai người lại xảy ra tranh cãi trong đồn cảnh sát.
Theo quy trình bình thường, nếu cả hai đều muốn gặp Trương Hồng Diễm thì phải lần lượt vào. Nhưng Lục Thành không muốn để Thẩm Đình Dục - người đến trước - vào gặp, nên đã đưa ra ý kiến phản đối. Còn Thẩm Đình Dục vốn luôn dễ nói chuyện, lần này thái độ hiếm khi cũng rất cứng rắn, không có ý định nhường nhịn Lục Thành.
Những cảnh sát cấp dưới trong đồn không dám đắc tội với hai vị tai to mặt lớn này, nên cứ mãi kéo dài.
Cho đến khi Tô Văn Húc vừa nói chuyện xong với trưởng đồn tình cờ bắt gặp cảnh này.
Ông tiến đến chào hỏi người quen - Thẩm Đình Dục trước, sau khi biết được nguyên nhân tranh cãi của họ thì nói: "À, dù sao cũng vì cùng một chuyện, hai người cùng vào không phải là được rồi sao?"
Nói xong còn liếc nhìn Thẩm Đình Dục với vẻ mặt kỳ lạ.
Không thể trách ông được, chủ yếu sau khi ông theo anh mình làm quen với Thẩm Đình Dục nhiều năm vậy, hiếm khi thấy anh không thể hiện phong độ.
-- Đặc biệt là vì chuyện nhỏ nhặt như vậy.
Vì thế, cuối cùng Thẩm Đình Dục và Lục Thành cùng gặp Trương Hồng Diễm.
Báo cáo cho thấy bà ta thực sự đã sử dụng chất kích thích cấm ST-891, xác nhận rằng phần lớn nguyên nhân mất kiểm soát đêm hôm đó là do tác động của thuốc. Hiện tại tác dụng của thuốc đã qua, tinh thần của bà ta đã trở lại bình thường có thể giao tiếp, chỉ là đôi mắt vô hồn, cả người trông rất tiều tụy.
Khi thấy cả hai cùng xuất hiện, Trương Hồng Diễm hoảng sợ một chút, rồi dần dần trở lại bình tĩnh như chết.
Thẩm Đình Dục kéo ghế ngồi xuống.
Lục Thành còn chưa ngồi xuống đã nói với Trương Hồng Diễm: "Tôi chỉ muốn biết chi tiết cụ thể của sự việc và những bằng chứng có thể chứng minh tất cả điều này là sự thật."
Dưới mắt Trương Hồng Diễm là hai vệt thâm đen, bà ta ngước mắt nhìn Lục Thành với ánh mắt u ám.
"Lục Thiếu tướng đang nói về chuyện của Từ Thanh An phải không?" Bà ta hỏi bằng giọng khàn khàn hơi khô khốc.
Rồi lại trả lời trước khi nhận được câu trả lời khẳng định: "Sự thật đúng như tôi đã nói."
"Bởi vì Từ Thanh An phát hiện ra Từ Thanh Nhiên có một... đối tượng phù hợp cao rất tốt, cậu ta không muốn thấy kết quả này xảy ra." Nói đến đây, bà ta lại liếc nhìn Lục Thành, ánh mắt có chút ý tứ sâu xa.
"Vì vậy đã nhờ mối quan hệ giữa dì của cậu ta và tôi để nhờ tôi giúp đổi đối tượng phù hợp cao đó thành người khác."
"Cậu ta cũng khá độc ác đấy, muốn xem cậu bạn thân trúc mã của anh bị sắp xếp cho tên rác rưởi như Trần Thắng Phi." Trương Hồng Diễm cười lạnh nói.
Thẩm Đình Dục cúi đầu, không nói gì.
Lục Thành hơi nắm chặt nắm đấm, không biểu lộ gì trên nét mặt, chỉ hỏi: "Bằng chứng đâu?"
Trương Hồng Diễm nói một cách bình tĩnh và tự tin: "Tôi cũng đâu phải là đồ ngu. Lúc đó tuy rất tin tưởng Từ Thanh An, nhưng giúp người khác làm chuyện vi phạm pháp luật như vậy, tôi cũng phải có một chút thủ đoạn chứ."
Khi Trương Hồng Diễm giúp Từ Thanh An xử lý tài liệu chip của Lục Thành tại Bệnh viện Liên hợp Ngân Long, để không bị phát hiện, hệ thống giám sát trong phòng là do chính bà ta xử lý. Chỉ là để phòng ngừa, trước khi xóa bản ghi Từ Thanh An và bà ta vào tráo đổi, bà ta đã tạo một bản sao.
Lúc đó bà ta do dự rồi để lại một tâm nhãn, chỉ nói với Từ Thanh An là đã liên hệ người chuyên môn tắt và gây nhiễu camera giám sát trong khoảng thời gian đó.
Giống như bà ta hoàn toàn tin tưởng Từ Thanh An, cậu ta cũng tin tưởng bà. Biết bà rất coi trọng công việc, cả hai đều trên cùng một con thuyền, nghĩ rằng dù có chuyện gì xảy ra bà cũng không thể để lộ chuyện này.
Còn về việc Từ Thanh Nhiên sau đó vào phòng làm việc, camera giám sát trong khoảng thời gian đó đã bị hệ thống trên người bà hoàn toàn gây nhiễu, nên khi Trương Hồng Diễm xử lý bản sao không phát hiện ra có gì bất thường sau đó.
"Bằng chứng anh muốn tôi vừa mới giao nộp rồi, video quay rất rõ ràng, anh đi tìm người của đồn cảnh sát là có thể xem." Bây giờ Trương Hồng Diễm chỉ có thái độ chẳng còn gì để mất.
Viên cảnh sát canh gác bên ngoài nhanh chóng mang đến tấm bảng quang học chứa đoạn video giám sát đó, đặt lên bàn trước mặt Lục Thành rồi lại lui ra ngoài.
Lục Thành bước đến bên bàn, chuẩn bị tinh thần trước khi bấm mở video.
Thẩm Đình Dục im lặng, ánh mắt cũng dõi theo nhìn xuống tấm bảng quang học. Từ khi Từ Thanh An vào trao đổi với Trương Hồng Diễm cho đến khi hai người cười nói rời đi, từng cử động đều rõ ràng thu vào mắt anh.
Cuối cùng, Trương Hồng Diễm còn bổ sung: "À phải rồi, quên mất là camera giám sát không có âm thanh, chắc các anh vẫn còn nghi ngờ phải không?"
"Tôi sẽ nói với cảnh sát ngay, để họ kiểm tra thẻ làm việc của tôi. Để phòng ngừa bị uy hiếp vu oan giá họa, khi làm việc tôi luôn gắn một cái kim ghi âm ở đó. Nếu đến nhà tôi, có lẽ sẽ tìm thấy."
Tuy nhiên Lục Thành chẳng còn tâm trí để ý đến đoạn bổ sung này của cô ta.
Hai mắt chăm chú nhìn vào màn hình bảng quang học, cả người hoàn toàn đứng im tại chỗ, có lẽ vẫn đang sốc vì Từ Thanh An thực sự làm ra chuyện như vậy.
Hắn rất tức giận.
Nhận thức về Từ Thanh An trong những năm qua trong chớp mắt đều bị lật đổ, khiến hắn có cảm giác tức giận vì bị lừa dối che giấu.
Thậm chí khiến hắn cảm thấy việc trước đây luôn so sánh cậu ta với Từ Thanh Nhiên trước mặt Từ Thanh Nhiên, cho đến sau này nhất thời mù quáng, cho rằng Từ Thanh An phù hợp làm bạn đời hơn Từ Thanh Nhiên... càng giống một trò cười.
Ánh mắt tình cờ chạm phải Thẩm Đình Dục đang ngồi bên cạnh, hắn lại tự chế giễu cười một tiếng.
Nhìn thấu được sự giả tạo của Thẩm Đình Dục, nhưng lại không nhìn thấu sự giả dối của Từ Thanh An.
Lục Thành trong lòng vô cùng tức giận, xoay người bước nhanh ra cửa, muốn tìm Từ Thanh An để hỏi cho rõ tất cả những gì cậu ta đã che giấu trong quá khứ.
Nhưng ngay trước khi mở cửa, tình cờ nghe được cuộc đối thoại giữa Trương Hồng Diễm và Thẩm Đình Dục.
Thẩm Đình Dục khấu ngón tay gõ gõ trên mặt bàn, hiếm khi để lộ sự lạnh lùng trong mắt ra ngoài: "Tôi vừa xem video, trong đó có động tác sửa đổi dữ liệu chip của cô."
"Vì vậy câu nói của cô rằng cô và Từ Thanh An chỉ có âm mưu mà không thực hiện, cũng là giả."
Câu nói này, là giọng điệu khẳng định.
Trong lúc Trương Hồng Diễm im lặng, Lục Thành cũng dừng động tác mở cửa lại.
... Phải rồi, sao hắn lại bỏ qua chuyện này? Hôm đó ở Vân Thiên Lâu, Trương Hồng Diễm ngụy biện chỉ là nghĩ tới thôi, nhưng nhớ kỹ lại cảnh giám sát vừa xem, Trương Hồng Diễm rõ ràng đã đang sửa đổi và Từ Thanh An cũng đang đứng bên cạnh xem!
Chỉ riêng điểm này, đã đủ để xác định tội xúi giục và đồng phạm của Từ Thanh An!
"Hôm nay tôi đến đây, chỉ có hai câu hỏi muốn hỏi cô."
Phía sau là giọng nói lạnh nhạt của Thẩm Đình Dục: "Thứ nhất, có phải cô đã sửa đổi dữ liệu chip của đối tượng phù hợp cao với Từ Thanh Nhiên không?"
Trương Hồng Diễm do dự trong biểu cảm.
Cuối cùng dưới ánh mắt lạnh lùng của Thẩm Đình Dục, cô ta thành thật: "... Đúng vậy, tôi đã thay đổi thật."
Thẩm Đình Dục im lặng.
Trương Hồng Diễm vẫn đang nói tiếp: "Nhưng đối tượng tôi thay đổi thành là Trần Thắng Phi, kết quả các anh đều thấy rồi, Từ Thanh Nhiên không bị đẩy cho gã ta. Tôi..."
Bà ta há miệng, lại không biết nên nói tiếp thế nào.
Rõ ràng rất chắc chắn đã đổi thành Trần Thắng Phi, cuối cùng sao lại thành Thẩm Thiên Dật nhỉ? Hơn nữa sau khi tiễn Từ Thanh An đi bà ta đã không rời khỏi phòng làm việc nữa, cho đến khi làm xong công việc đăng ký dữ liệu chip, chắc chắn không qua tay người khác.
Trừ phi trong quá trình tải lên, có người ở một trạm trung chuyển dữ liệu cấp cao nào đó can thiệp.
Nhưng lúc đó Từ Thanh Nhiên tai tiếng vang dội, trong số những người bả ta biết không có ai là nhà từ thiện lớn sẽ chủ động giúp đỡ. Hơn nữa cũng không ai biết chuyện họ lén lút sửa đổi dữ liệu, ai lại trùng hợp đi bắt đối tượng của Từ Thanh Nhiên để sửa chứ?
Bên cửa, tay Lục Thành đã rút khỏi tay nắm cửa.
" alt="Truyện Tôi Nổi Điên Ở Tiểu Thuyết Tương Lai Ngược Thụ" /> ...[详细] -
Tính năng Apple Live Photos có gì khác với Samsung Motion Photos?
Cùng với sự xuất hiện của chiếc iPhone 6S và hệ điều hành iOS 9, Apple mang đến tính năng Live Photos. Tính năng này giúp camera smartphone ghi lại một vài khung hình trước và sau khi bức ảnh chính được chụp, tạo nên những bức ảnh động. Chỉ có các sản phẩm như iPhone 6S và iPhone 6S Plus mới có khả năng chụp hình Live Photos, nhưng bất cứ thiết bị nào của Apple chạy iOS 9 thì đều có khả năng xem lại các bức ảnh này. Để tạo nên những bức ảnh Live Photos, người sử dụng chỉ cần nhấn giữ vào bức ảnh để bắt đầu “phát” (với các thiết bị có trang bị công nghệ 3D Touch), trong khi đó, những thiết bị cũ hơn có thể xem những bức ảnh này bằng chạm và giữ.
Để cạnh tranh với Apple, Samsung cũng tung một chức năng tương tự với cái tên “Motion Photo”, xuất hiện trên phần mềm camera của Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge. Thế nhưng hai tính năng này có gì khác biệt?
Để dễ hiểu, bạn có thể nhìn vào bảng so sánh dưới đây:
" alt="Tính năng Apple Live Photos có gì khác với Samsung Motion Photos?" /> ...[详细]Apple Live Photos
Samsung Motion Photos
Ghi lại các khung hình trước và sau khi bức ảnh chính được chụp
Chỉ ghi lại những khung hình trước khi bức ảnh chính được chụp
Ghi lại cả âm thanh
Không ghi lại âm thanh
Không có cách nào xuất ảnh một cách tự nhiên
Ảnh động có thể xuất dưới dạng tập tin video
-
Lưu ý khi thuê xe điện tự cân bằng chơi Tết
Trong thời gian gần đây, hình ảnh những cô bé, cậu bé, hoặc thậm chí là các nam thanh nữ tú “cưỡi” trên những chiếc xe 1 bánh hoặc 2 bánh sành điệu với đèn nháy đủ màu cùng tiếng nhạc rộn ràng, vi vu trên những ngõ phố hoặc công viên, tụ điểm vui chơi đã không còn là hình ảnh hiếm gặp tại những đô thị lớn.
Đó là loại xe điện tự cân bằng, đòi hỏi người chơi phải có khả năng giữ thăng bằng, đứng vững trên xe. Khi đã làm chủ được chiếc xe, người chơi có thể thuần thục điều khiển chiếc xe theo ý muốn để tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái.
Đáp ứng nhu cầu chơi đang ngày càng nở rộ, ngay từ những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, nhiều cá nhân, công ty đã nhanh chóng tung ra các thông tin quảng cáo, mời chào cho thuê loại xe công nghệ này trên các trang rao vặt, mạng xã hội Facebook. Nhiều nhất là các địa chỉ tại Hà Nội, TP.HCM.
Một số nơi cung cấp dịch vụ bán xe, cho thuê xe chuyên nghiệp còn cung cấp website để người chơi tham khảo trước các sản phẩm xe, hoặc có thể đến trực tiếp tận địa chỉ để tham khảo, trải nghiệm sản phẩm mẫu.
Giá thuê theo giờ thông thường là 50.000 đồng/giờ, theo ngày từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Còn 1 giá cho thuê theo tuần là 1 triệu đồng, nếu thuê cả tháng 2 triệu đồng.Tìm hiểu của ICTnews cho thấy, nếu có nhu cầu chơi xe điện tự cân bằng, người chơi tùy theo nhu cầu có thể thuê theo giờ, theo ngày, theo tuần hoặc tháng.
Một số điểm cho thuê xe điện tự cân bằng phục vụ người chơi xuyên Tết Nguyên đán. Trong khi đó, tại nhiều nơi cho thuê xe thời gian ngắn tại các tụ điểm công cộng, công viên, khu vui chơi giải trí… thì giá có thể ở mức 50.000 đồng chỉ cho 30 phút sử dụng.
“Giá cho thuê tại các tụ điểm vui chơi trong những ngày Tết sẽ khó thống nhất giữa các điểm, các cá nhân cho thuê do nhu cầu dự đoán sẽ lớn hơn so với ngày thường”, anh Tuấn, một người làm dịch vụ cho thuê xe điện tự cân bằng tại Hà Nội nói.
" alt="Lưu ý khi thuê xe điện tự cân bằng chơi Tết" /> ...[详细] -
Sau nhiều tháng đoán già đoán non, chiếc điện thoại chạm cảm ứng iPhone của hãng máy tính Mỹ Apple được nâng cấp lên 3G sẽ xuất hiện vào sáng thứ Hai tuần sau. Song nó có thực sự cải thiện so với phiên bản hiện thời? Và đây là điều bạn cần biết về 3 cho đến G.
Bắt đầu từ rất đơn giản nhé, 3G là viết tắt của tiêu chuẩn điện thoại di động “Thế hệ thứ ba” và nó cho phép cỗ máy của bạn có thêm nhiều tính năng mạnh hơn, đặc biệt là tốc độ Internet băng rộng không dây.
Năm 2006 đã chứng kiến sự soán ngôi thành công đầu tiên của 3G ở Nhật Bản. Kể từ đó, kế hoạch này tiếp tục được cập nhật và cho đến năm 2010, tất cả các mạng di động sẽ được nâng cấp lên 3G.
" alt="3G: Mọi thứ bạn cần biết" /> ...[详细] -
Webgame MU Đại Thiên Sứ tung landing page ấn định mở cửa vào hôm nay
Theo thông tin nóng hổi trên landing page, webgame MU Đại Thiên Sứ đã sẵn sàng đến tay game thủ Việt từ ngày 28/04. Đây sẽ là webgame phiên bản MU cuối cùng tại thị trường Việt. Nhà phát hành cũng cho hay, MU Đại Thiên Sứ là sản phẩm mô phỏng gần nhất với MU Global từ những tiểu tiết nhân vật, vật phẩm, chiến trường cho đến hệ thống tính năng trong game quy mô và có chiều sâu.
Cộng đồng mạng dậy sóng ngóng game ra mắt
Ra mắt không lâu nhưng fanpage MU Đại Thiên Sứ đã tạo cho mình một cộng đồng khá đông vui và tương tác liên tục. Từ những thông tin đầu tiên về sản phẩm đến các video clip nhân vật, kỹ năng đầu nhận được những phản hồi tích cực và đón chờ game mở cửa. Đặc biệt, khi tung những hình ảnh Việt hóa đầu tiên, MU Đại Thiên Sứ không chỉ trở thành tiêu điểm của hội game thủ với sức hút rất lớn và còn nhận được sự quan tâm từ báo giới. Chỉ trong vài ngày xuất hiện, MU Đại Thiên Sứ khiến cộng đồng mạng đứng ngồi không yên.
Nhân dịp game mở cửa, hàng ngàn Gift code và nhiều ưu đãi hấp dẫn sẽ đến tay game thủ trong ngày Closed Beta không xóa nhân vật 28/4 tới đây.
Một số hình ảnh của game:
Thưởng thức landing page MU Đại Thiên Sứ tại http://mudts.360game.vn/
Fanpage https://www.facebook.com/mudts/?fref=ts
" alt="Webgame MU Đại Thiên Sứ tung landing page ấn định mở cửa vào hôm nay" /> ...[详细] -
Dịch vụ đổi tiền hình gà lì xì tung hoành Facebook dịp Tết
Theo khảo sát của ICTnews tại thời điểm sát Tết Nguyên đán 2017, dịch vụ đổi tiền kỷ niệm (không phải là loại tiền thật, không có giá trị lưu thông) được giới kinh doanh mời chào rầm rộ trên mạng xã hội Facebook đáp ứng cho nhu cầu lì xì.
Với giá từ vài chục nghìn đồng cho tới 450.000 đồng, những tờ tiền in hình gà được quảng cáo xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau.
Có thể kể đến một số loại tiền hình gà như tiền hình con gà Macao, tờ 2 USD in hình gà vàng, tờ tiền 1 Yên Nhật Bản, tiền gà Úc hay tiền xu hình gà Đài Loan.
Bên cạnh tục lì xì truyền thống bằng tiền Việt thì những tờ tiền kỷ niệm mang ý nghĩa thú vị để người thân, bạn bè lì xì cho nhau trong dịp Tết đến xuân về.
Tiền hình con gà Macao mệnh giá 100 Pataca là tiền kỷ niệm đáp ứng nhu cầu lì xì Tết trong dịp năm mới Đinh Dậu. Giá cho mỗi tờ là 25.000 đồng:
Trong khi đó, loại mệnh giá 10 Pataca có giá 100.000 đồng/tờ:
Tờ tiền mệnh giá 1 Yên Nhật phát hành năm 1946, giá bán 145.000 đồng:
" alt="Dịch vụ đổi tiền hình gà lì xì tung hoành Facebook dịp Tết" /> ...[详细] -
Ô tô lơ lửng trên tầng 4 do tài xế đạp nhầm chân ga
Chiếc xe lơ lửng trên tầng 4 do sự nhầm lẫn tai hại của nữ tài xế. Nguồn: MSN.
Rất nhanh sau đó, nữ tài xế đã được những người xung quanh giải thoát ra ngoài từ cửa đối diện bởi tay nắm cửa phía ghế lái bị hỏng.
Trong chia sẻ với một tờ báo địa phương, tài xế cho biết mình chỉ mới vừa mua chiếc Toyota số tự động khoảng một tháng trong khi trước đó nhiều năm cô luôn lái xe số sàn. Cô cũng cảm thấy may mắn bởi vì chỉ một chút nữa thôi, chiếc xe có thể rơi xuống tầng 1và có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Mai Lý (Theo Newsflare)
Đứng trên bình xăng lái mô tô, đỉnh cao của sự ngổ ngáo
Nam thanh niên nhận "cơn mưa" chỉ trích từ cộng đồng mạng vì hành động bỏ tay trong túi áo đứng thăng bằng trên chiếc xe mô tô đang chạy ở tốc độ cao.
" alt="Ô tô lơ lửng trên tầng 4 do tài xế đạp nhầm chân ga" /> ...[详细] -
[LMHT] Cập nhật tin tức ngày 23/4
Vụ Nổ Độc Hại (Q)
- Tốc độ di chuyển cộng thêm tăng từ 20/22.5/25/27.5/30% lên 30/35/40/45/50%.
- Thời gian duy trì tốc độ di chuyển cộng thêm tăng từ 2 lên 3 giây.
- Tốc độ di chuyển cộng thêm giờ giảm dần theo thời gian.
- Thời gian niệm phép giảm từ 0.45 xuống 0.25 giây (tương tự như hiện tại).
- Thời gian phát nổ tăng từ 0 lên 0.4 giây (tương tự như hiện tại).
Thử Thách Linh Hồn (E)
- Tế Phẩm tồn tại 12 giây và tạo ra Xúc Tu mỗi 5 giây (tùy thuộc vào cấp độ 5/4/3), thay vì tồn tại 1 phút và tạo ra Xúc Tu mỗi 10 giây.
- Tiêu diệt Xúc Tu không còn gây hiệu ứng lên Tế Phẩm.
- Xúc Tu có thể xuất hiện gần nhau nếu như chúng gần vị trí của Tế Phẩm.
- Xúc Tu không còn xuất hiện trong sương mù.
- Xúc Tu không còn bị ngăn sản sinh nếu như Tế Phẩm đang Biến Về (B).
Vũ Điệu Xạ Tiễn (Q)
- Sử dụng Sói Cuồng Loạn (W) hoặc nhảy vào trong khu vực ảnh hưởng sẽ giảm thời gian hồi chiêu của Vũ Điệu Xạ Tiễn (Q) đi 4/3.5/3/2.5/2 giây, thay vì 2 giây mọi cấp như trước.
Sói Cuồng Loạn (W)
- Nội tại giờ tăng ít điểm cộng dồn hơn khi di chuyển, nhưng lại gia tăng thêm khi tấn công.
- Thời gian tồn tại của vùng ảnh hưởng tăng từ 8 lên 8.5 giây mọi cấp.
- Sát thương của Sói gây thêm 50% lên quái rừng.
Bầy Bọ Hư Không (W)
- Tầm tăng từ 300 lên 450.
- Bọ Hư Không sẽ không còn được triệu hồi nữa nếu như có những con Bọ Hư Không khác đang tấn công quái to.
Vẫn Tinh (Q)
- Lượng máu hồi lại mỗi nửa giây từ hiệu ứng Hồi Sức thay đổi từ 7/8/9/10/11 (+ 0.05 AP) thành 6/6.5/7/7.5/8 (+ 0.075 AP).
- Tốc độ di chuyển cộng thêm từ hiệu ừng Hồi Sức giảm từ 15% xuống 10%.
Phá Sức (Q)
- SMPT cộng thêm giảm từ 0.4 xuống 0.3.
Quả Cầu Bóng Tối (Q)
- SMPT cộng thêm tăng từ 0.7 lên 0.75.
Đá Bảo Hộ
- Giá tiền hợp thành giảm từ 450 xuống 350 (tổng tiền giảm từ 1200 xuống 1100 Vàng).
Giáp Thiên Thần
- Giá tiền hợp thành giảm từ 1180 xuống 800 Vàng (tổng tiền giảm từ 2700 xuống 2400 Vàng).
- Thời gian hồi lại của Nội tại giảm từ 300 xuống 240 giây.
- Kháng phép giảm từ 60 xuống 45.
Đai Lưng Hextech
- Giá tiền hợp thành giảm từ 800 xuống 750 Vàng (tổng tiền giảm từ 2550 xuống 2500 Vàng).
Bí Chương Thất Truyền
- Năng lượng tăng từ 250 lên 300.
Vinh Quang Chân Chính
- Giá tiền hợp thành giảm từ 750 xuống 650 Vàng (tổng tiền giảm từ 2600 xuống 2500 Vàng).
Đồng Hồ Cát Zhonya
- Giá tiền hợp thành giảm từ 900 xuống 800 Vàng (tổng tiền giảm từ 3000 xuống 2900 Vàng).
Quỷ Thư Morello
- Tổng tiền tăng từ 2750 lên 2900 Vàng.
Vết Thương Sâu
- Giờ sẽ giảm đi 40% toàn bộ khả năng hồi máu, thay vì chỉ riêng các hiệu ứng hồi máu thông thường.
2. NÂNG CẤP GIAO DIỆN:
Giao diện người dùng (UI) được nâng cấp tập trung hướng về phía hang Rồng, nơi có Rồng Nguyên Tố và Rồng Ngàn Tuổi mới xuất hiện.
Cận cảnh:
3. KHÁC:
Phù Phép: Bloodrazorgiờ sẽ sử dụng viên ngọc vàng thay vì tím.
Trụ
- Fortification(Nội tại): Khả năng ngăn chặn sát thương tăng từ 30% lên 35%.
Gnar_G
" alt="[LMHT] Cập nhật tin tức ngày 23/4" /> ...[详细]
Elon Musk đã bỏ xa đối thủ trong cuộc đua vũ trụ
“Quá khứ cần được ghi nhớ và tự hào. Tuy nhiên, bạn không thể sống dựa vào nó”, nhà du hành vũ trụ Fyodor Yurchikhin chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2020 về ngành công nghiệp vũ trụ của Nga.
Cách đây 60 năm, ngày 12/4/1961, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên du hành vào vũ trụ. Chuyến bay dài 108 phút đã đi vào lịch sử thế giới, đánh dấu thành công của Liên Xô cũ trong ngành công nghiệp vũ trụ.
Trước khi đưa Gagarin vào vũ trụ, Liên Xô đã phóng Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào tháng 10/1957, động thái khiến các nước phương Tây bất ngờ. Đến tháng 1/1958, Mỹ mới phóng vệ tinh đầu tiên tên Explorer 1.
Kỷ nguyên của Nga trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ đang đến hồi kết? Ảnh: AFP.
Vai trò của Nga đang kết thúc?
Hiện nay, dù Tổng thống Vladimir Putin không đam mê du hành vũ trụ, có lẽ ông vẫn cảm nhận tác động quân sự và địa chính trị của một chương trình không gian. Vị thế của Nga trong ngành vũ trụ thế giới đã không còn như trước. Lệnh trừng phạt từ nước ngoài, cách vận hành của chính phủ không phải điều kiện tốt nhất để các tập đoàn vũ trụ trong nước phát triển.
Trong khi Nga đang chật vật thì Trung Quốc - đất nước phóng vệ tinh đầu tiên 13 năm sau Liên Xô - đã trở thành nước thứ 2 cắm cờ trên Mặt Trăng sau Mỹ, bên cạnh hàng loạt sứ mệnh đưa tàu thăm dò lên Hỏa tinh.
Hàng chục năm trôi qua, Yuri Gagarin vẫn được nhắc đến là anh hùng dân tộc của nước Nga. Thành tựu của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh căng thẳng là chiến thắng lớn về mặt công nghệ lẫn chính trị, không quan trọng lợi nhuận bao nhiêu.
Stephen Walker, tác giả cuốn sách Beyondkể lại hành trình lên vũ trụ của Yuri Gagarin, từng ghi rằng mọi chuyện có thể đã khác nếu Mỹ không trì hoãn sứ mệnh du hành vũ trụ của Alan Shepard, do chuyến bay thử nghiệm cạn nhiên liệu sớm hơn nửa giây.
Nga vẫn là một trong ít quốc gia được tin tưởng đưa người vào vũ trụ. Trong hơn 10 năm qua, tàu vũ trụ Soyuz của Nga vẫn được Mỹ sử dụng để chở người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, vai trò của Soyuz đối với Mỹ đang kết thúc.
Những thế hệ tên lửa mới của Nga gặp khó khăn về nhiều mặt: kỹ thuật, kinh phí và sự sáng tạo. Sứ mệnh phóng tàu thăm dò Phobos-Grunt lên Hỏa tinh của Nga năm 2011 đã thất bại. Cùng năm đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng thành công tàu thăm dò Curiosity lên bề mặt hành tinh đỏ.
Yuri Gagarin trên đường đến bãi phóng Vostok 1 ở Kazakhstan (Liên Xô cũ) ngày 12/4/1961. Ảnh: Sputnik.
SpaceX - đối thủ mới
Không phải Nga, cái tên mới đang được NASA tích cực hợp tác là SpaceX, công ty khai phá không gian của tỷ phú Elon Musk. Dmitry Rogozin, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) từng nhiều lần phủ nhận các nỗ lực của SpaceX.
Năm 2014, Rogozin mỉa mai rằng Mỹ sẽ dùng bạt lò xo để đưa người lên ISS sau khi Washington ban hành lệnh trừng phạt lên nhiều quan chức Nga, trong đó có ông.
Tháng 11/2020, Elon Musk đáp trả "bạt lò xo đã hoạt động" khi tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX lần đầu đưa 4 phi hành gia lên ISS. Ngay sau đó, Rogozin nêu ý kiến cho rằng đó là chiến thắng của SpaceX trước hãng Boeing (cũng của nước Mỹ), không phải Musk đã hạ bệ người Nga.
Chi phí đưa người lên vũ trụ rẻ hơn của SpaceX cũng khiến Rogozin nghi ngờ. Giám đốc Roscosmos cho rằng Musk đang dùng thủ thuật bán phá giá nhưng không bị trừng phạt. Đáp trả lại, vị tỷ phú cho biết tên lửa SpaceX có thể tái sử dụng, trong khi của Nga thì không.
Theo thống kê của Bloomberg, chi phí phóng tàu Falcon Heavy của SpaceX là 1.500 USD/kg, Falcon 9 là 2.600 USD/kg, trong khi với tàu Soyuz của Nga lên đến 17.900 USD/kg.
Ảnh mô phỏng tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX kết nối với ISS, đưa 4 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA.
Tiền cũng chính là vấn đề của Roscosmos. Theo nhà phân tích độc lập Pavel Luzin, chi phí của Nga cho các chương trình không gian, bãi phóng tên lửa và hệ thống định vị GLONASS trong năm 2020 là 2,4 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với năm 2013.
Việc Mỹ không thường xuyên trả tiền thuê tàu Soyuz chở người lên ISS cũng góp phần khiến chi phí các chương trình không gian của Nga sụt giảm. Nói cách khác, SpaceX và Elon Muskđang đe dọa ngành công nghiệp vũ trụ của Nga.
Khó khăn của nước Nga
Bản thân Roscosmos đã tìm cách thay đổi, nhưng các kế hoạch của họ không diễn ra như mong muốn. Tổ hợp bãi phóng tên lửa Vostochny tại Viễn Đông được xây dựng để giảm sự phụ thuộc của Nga với bãi phóng Baikonur ở Kazakhstan. Tuy nhiên, những chuyên gia cho biết địa hình và đại dương xung quanh có thể gây nguy hiểm cho các đợt hạ cánh khẩn cấp. Việc tổ hợp chậm tiến độ, bê bối biển thủ tiền khiến Tổng thống Putin không hài lòng.
Họ tên lửa đẩy siêu nặng Angara, sau hơn 25 năm phát triển đang gặp khó khăn lớn về kinh phí. Andrei Ionin, thành viên Học viện Vũ trụ Nga cho rằng Angara khó cạnh tranh với tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Với tình hình này, việc chế tạo ra tên lửa tái sử dụng, chi phí phóng thấp trong thời gian ngắn của Nga như SpaceX là rất khó.
Nếu Nga không có sự thay đổi phù hợp, Yuri Gagarin vẫn mãi là di sản duy nhất của ngành vũ trụ nước này. Ảnh: Renderspeed.
Môi trường, cách vận hành của Nga hiện tại khiến việc tạo ra một "SpaceX của Nga" gặp nhiều trở ngại. Các công ty tư nhân bị ràng buộc trong một "vùng đất không người quản lý", theo lời mô tả của người trong cuộc. Ngay cả nỗ lực của Nga nhằm tạo ra cụm công ty công nghệ, startup không gian như Thung lũng Silicon cũng chứng kiến thất bại nhiều hơn thành công.
Khi mối quan hệ Mỹ - Nga trong lĩnh vực vũ trụ đang bị đe dọa, một số bình luận gợi ý đến cái tên Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Nga và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ về việc cùng xây dựng trạm nghiên cứu chung trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có những tham vọng lớn lao riêng của họ.
"Về lâu dài, tài năng sẽ chiến thắng nhờ kinh nghiệm và văn hóa tổ chức, không phải các di sản", một nhà nghiên cứu chia sẻ về cách SpaceX thu hút nhân tài trong cuốn sách Liftoffcủa tác giả Eric Berger. Nếu Nga không có sự thay đổi phù hợp, Yuri Gagarin vẫn mãi là di sản duy nhất của ngành vũ trụ nước này.
Theo Zing/Bloomberg
Xem vệ tinh Starlink của Elon Musk nối đuôi nhau bay trên bầu trời đêm
60 vệ tinh Starlink của SpaceX tạo một vệt sáng dài trên bầu trời đêm khi bay qua dãy núi Alps, Thụy Sĩ ngày 25/3.
" alt="Elon Musk đã bỏ xa đối thủ trong cuộc đua vũ trụ" />Công ty sở hữu Snapchat nộp hồ sơ IPO: Có thể huy động lên đến 25 tỷ USD
Công ty mẹ của ứng dụng Snapchat là Snap Inc. vừa công khai những thông tin cho thấy họ sắp hoàn thành thương vụ IPO lớn ngang ngửa kỷ lục của Alibaba vào năm 2014 trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, Snap tạo ra hơn 400 triệu USD doanh thu hàng năm trong năm nay và đang có 158 triệu người dùng ứng dụng này hàng ngày.
Công ty có trụ sở tại Los Angeles tiết lộ chi tiết tình hình tài chính trong hồ sơ xin IPO được gửi đi vào thứ 3, cụ thể có một vài điểm chính như sau:
- Công ty nộp hồ sơ cho thương vụ IPO trị giá 3 tỷ USD.
- Trong hồ sơ, Snap đã tiết lộ rằng Snapchat có 158 triệu người dùng hoạt động hàng ngày tính tới qúy 4 năm 2016.
- Doanh thu hàng năm đạt 404,4 triệu USD trong năm 2016, tăng từ mức 58,6 triệu USD trong năm 2015.
- Hồ sơ IPO của công ty cho thấy Morgan Stanley, Goldman Sachs, JPMorgan, Barclays… là những ngân hàng tư vấn cho công ty này.
- Snap lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu của họ trên sàn giao dịch chứng khoán New York dưới mã SMAP.
Hiện tại tình hình tài chính của công ty đã được công khai, công ty chỉ phải chờ 15 ngày nữa để tổ chức một buổi “roadshow” với các nhà đầu tư. Snap đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào tháng 3 và có thể đạt giá trị cao nhất là 25 tỷ USD.
Theo một nguồn tin giấu tên, CEO 26 tuổi của công ty này là Evan Spiegel sẽ tập trung vào thông điệp chuyển giao quyền quản lý cho các nhà đầu tư. Vai trò của Evan sẽ giống hệt cách CEO Facebook là Mark Zuckerberg thực hiện trước khi công ty IPO.
Spiegel hiện sở hữu 21,8% cổ phiếu loại A của công ty, khiến anh trở thành cổ đông lớn nhất cùng với đồng sáng lập Roberg Murphy – người cũng sở hữu lượng cổ phiếu tương tự. Ngoài ra cả 2 còn sở hữu một lượng cổ phiếu loại B và C.
Kế hoạch IPO của Snap đã được đồn đoán từ nhiều tháng nay tại Phố Wall và cả thung lũng Silicon. Năm ngoái, công ty đã tuyển dụng một chuyên gia IPO thời vụ vào hội đồng quản trị và sau đó đổi tên công ty từ Snapchat thành Snap Inc.
Những mảng kinh doanh của Snap liên quan nhiều tới ứng dụng chủ chốt của họ của Snapchat. Cụ thể công ty này đã tăng quảng cáo và tin tức kèm theo và năm ngoái bắt đầu bán Spectacles, kính mắt để chụp ảnh và quay video.
Tuy nhiên, nếu muốn IPO thành công, công ty này cần giải thích rõ thị trường khả dụng của mình – ngoài lượng dân số trẻ đang rất được ưa chuộng Snapchat. Họ cũng sẽ phải vạch ra tầm nhìn về doanh thu từ ít hơn 1 tỷ USD thành nhiều tỷ USD.
Công ty hiện cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu cao đáng kinh ngạc – nhất là từ quảng cáo trên nền tảng. Doanh thu hàng năm đạt 404 triệu USD đã tăng từ mức 58,6 triệu USD trong năm 2015. Họ cũng đã tăng lượng người dùng hơn 50% trong năm qua.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là khoản thua lỗ của Snap lên tới 514 triệu USD trong năm 2016, tăng từ mức 373 triệu USD trong năm trước đó. Việc tập trung vào phần cứng gần đây và nhận diện mới của công ty là “công ty camera” có thể khiến các nhà đầu tư định giá họ ở mức khác so với phương diện một công ty thuần về Internet.
Snap cũng bỏ ngỏ khả năng thực hiện các thương vụ mua lại sau IPO.
" alt="Công ty sở hữu Snapchat nộp hồ sơ IPO: Có thể huy động lên đến 25 tỷ USD" />
- Elon Musk đã bỏ xa đối thủ trong cuộc đua vũ trụ
- Hiện tượng thủy triều đỏ là gì?
- Apple giành lại vị trí hãng điện thoại số 1 thế giới từ Samsung
- Quốc gia đầu tiên trên thế giới khai tử mạng FM
- Vị giáo sư 30 năm đau đáu với ước nguyện cứu hàng ngàn bệnh nhi hiểm nghèo
- iPhone bán chạy chưa từng thấy, Apple lập kỷ lục doanh thu
- Cuộc đời của nhân vật bí hiểm nhất trong Naruto: Uchiha Shisui