Dò đá qua sông
Nhưng với sản nghiệp cả đời gồm hai nhà máy và gần 1.000 công nhân của cô Nguyệt thì gấp. Một nhà máy ngay sau đó bị yêu cầu đóng cửa. Tiếp theo là những chuỗi ngày xét nghiệm liên miên. Công ty phải tự chịu trách nhiệm đưa các F0,òđáquasôlịc âm F1 đi cách ly tập trung và lo chi phí, đồng thời tiếp tục lo ăn, ở cho các công nhân "ba tại chỗ", trả 70% lương cho nhân viên làm việc ở nhà để giữ chân lao động.
Hơn ba tháng qua, mỗi tháng, công ty của vợ chồng cô Nguyệt gánh lỗ hơn 8 tỷ đồng trong khi các khoản vay ngân hàng trĩu trên vai. Vợ chồng cô là Việt kiều, về nước gần 20 năm trước để đầu tư công ty xuất khẩu thực phẩm chế biến tại TP HCM.
Cô tâm sự với tôi về những ngày tháng "sợ điếng người". Đầu tháng 6, đang ở Đà Lạt, gặp vài người chạy lên thuê nhà dài hạn để tránh dịch, vợ chồng cô tất tả trở về TP HCM.
Công nhân đang phấn khởi vì sản lượng các tháng đầu năm cao hơn năm ngoái, đơn hàng cũng xếp dài. Thế rồi họ nhận được yêu cầu phải áp dụng quy định "ba tại chỗ". Nhà xưởng nhỏ, công ty chỉ đủ sức lo ăn ở cho khoảng 200 công nhân để duy trì hoạt động. Hai vợ chồng cô mất ngủ đúng một tuần. Chú lo chẳng may có ca nhiễm, lây chéo. Cô lo chẳng may có trường hợp qua đời, công ty không biết ăn nói sao với gia đình nhân viên, "cha sanh mẹ đẻ, mạng người là quý như nhau".
Và sau ca F0 đầu tiên, nhà máy coi như "chết lâm sàng", chỉ hoạt động 20% công suất. Tuần trước, tôi gọi điện, cô bảo "chưa dám hoạt động lại đâu con".
Tôi nói mọi thứ đang về gần bình thường rồi, nhưng cô chưa vội mừng. Mối lo doanh nghiệp bị phạt nếu để dịch lây lan; bị ràng buộc bởi nhiều chỉ thị, công văn, quy định về phòng chống dịch, từ cấp trung ương tới địa phương trong thời gian qua chưa thôi ám ảnh. Công ty vẫn chưa biết liệu phải xét nghiệm hàng tuần cho công nhân như trước hay không, khu làm việc, nhà ăn bố trí theo yêu cầu vệ sinh dịch tễ thế nào, có phải tổ chức theo mô hình hai con đường một điểm đến. "Để mở lại hoạt động, doanh nghiệp cần biết rõ thế nào là ‘an toàn’ theo tiêu chí của cơ quan quản lý; bình thường mới cụ thể là phải làm gì, tần suất xét nghiệm là bao nhiêu, liệu có bị quy trách nhiệm, bị buộc đóng cửa nếu có ca nhiễm", cô nói.
Các doanh nghiệp phía Nam có lẽ chung tâm trạng đang nghe ngóng, dè dặt đưa công nhân quay lại sản xuất. Một phần vì thiếu hụt nguồn cung lao động. Một phần vì "giải pháp sống chung" chưa nắm trong tay.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính số người thất nghiệp tăng thêm 2,5 triệu tại các tỉnh phía Nam trong 100 ngày nền kinh tế đóng băng bởi giãn cách. Tổng cục Thống kê công bố, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch tính từ tháng 7 đến 15/9.
Chính phủ vừa ban hành quy định thích ứng an toàn thay cho các chỉ thị chống dịch trước đây. Việc chấp nhận có số ca mắc Covid-19 nhất định trong cộng đồng, tái lập lưu thông hàng hóa và giao thương trên toàn quốc được hy vọng vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm hơn 6% trong quý vừa qua. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19. Bộ hướng dẫn này sẽ giúp địa phương biết mình đang ở cấp độ mấy, cần đáp ứng các tiêu chuẩn gì để tiến vào trạng thái bình thường mới.
Quy định thích ứng dù nhấn mạnh sự thống nhất các nội hàm về chống dịch trên toàn quốc, nhưng cũng khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, đặc biệt cấp cơ sở. Điều doanh nghiệp trông đợi là các biện pháp thích ứng sẽ không kéo theo các chi phí thực thi khổng lồ. Và đặc biệt là sự diễn giải khác nhau giữa các cấp, địa phương và địa bàn khiến việc tuân thủ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các biện pháp hành chính và mệnh lệnh áp đặt tự phát.
Tôi biết nhiều doanh nghiệp Việt đang loay hoay tìm cách thích ứng, không chỉ cho bản thân mà vì trách nhiệm với bạn hàng, với người lao động. Để thích nghi, người làm kinh doanh cũng mong muốn hoạt động không bị đứt gãy bởi các chính sách mang tính cát cứ, "sáng tạo" thái quá của địa phương; muốn được an tâm về năng lực điều trị của hệ thống y tế cộng đồng và tốc độ phủ vaccine trong vùng. Họ mong chính quyền sẽ chủ động cập nhật cụ thể các thông tin này cho doanh nghiệp qua các kênh tương tác trực tiếp. Họ không muốn "dò đá qua sông".
Hàng chục nghìn công ty, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có thể yên tâm bước tiếp, tuyển mộ lao động nếu được chính quyền đồng hành tập huấn, giúp nâng cao năng lực về dịch tễ và hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an toàn trước virus.
Chìa khóa làm được điều này là tinh thần thích ứng của các cấp chính quyền, cán bộ y tế và ban quản lý các khu công nghiệp. Họ chỉ cần xoay chuyển cách tiếp cận từ nhu cầu quản lý bằng chế tài sang đồng hành, hỗ trợ với tư duy cùng thắng.
Ba tháng cuối năm là thời điểm vàng để tăng cường xuất khẩu. Hai tháng trước Tết Nguyên đán là đòn bẩy kích cầu mua sắm và vận chuyển nội địa. Tiếp sức ngay cho các doanh nghiệp để họ sớm hồi sinh mạnh mẽ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để ổn định xã hội, giành lại đà tăng trưởng.
Cẩm Hà
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn