Vì sao khu vực công nên chuyển nhà ‘lên mây’?
Sau nhiều năm tranh luận,ìsaokhuvựccôngnênchuyểnnhàlênmâtin tuc moi lên đám mây hay không vẫn là một chủ đề nóng bỏng. Khảo sát các chuyên gia công nghệ thông tin gần đây của nền tảng cơ sở dữ liệu MariaDB cho thấy, 40% người tham gia trả lời nói đang tăng tốc sử dụng đám mây, trong đó 51% dự định đưa nhiều ứng dụng hơn lên đám mây. Một điều thú vị là nếu 39% dự đoán sẽ 100% trên mây trong tương lai, 32% lại mới bắt đầu công cuộc dịch chuyển.
Trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19, chính phủ các nước đang cố gắng thích ứng khi công dân và doanh nghiệp tiêu thụ nội dung kỹ thuật số ngày một nhiều hơn và họ cũng ngày càng phụ thuộc vào các nguồn thông tin, dịch vụ điện tử. Nhiều quốc gia mở rộng quy mô dịch vụ công, đặt ra các kế hoạch phát triển kinh tế số.
Một trong những yếu tố then chốt giúp kích hoạt cuộc chuyển đổi chính là công nghệ điện toán đám mây. Đám mây sẽ giúp dịch vụ công được cung cấp theo một cách thức khác biệt hoàn toàn: nhanh hơn, rẻ hơn, linh hoạt hơn so với hạ tầng công nghệ thông tin truyền thống. Chuyển hệ thống chính phủ sang môi trường đám mây và tích hợp toàn bộ năng lực chính phủ vào các giải pháp đám mây sẽ giúp dịch vụ công tránh bị lạc hậu trong tương lai.
Điện toán đám mây là gì?
Theo Viện Tiêu chuẩn Mỹ, điện toán đám mây là mô hình cho phép người dùng dễ dàng truy cập tài nguyên điện toán dùng chung (mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng, mọi lúc, mọi nơi, theo yêu cầu. Người dùng có thể thiết lập hoặc hủy bỏ nhanh chóng tài nguyên điện toán đám mây mà không cần sự can thiệp của nhà cung cấp dịch vụ.
Còn theo Amazon Web Services (AWS), điện toán đám mây là việc phân phối các tài nguyên công nghệ thông tin theo nhu cầu qua Internet với chính sách thanh toán theo mức sử dụng. Thay vì mua, sở hữu và bảo trì các trung tâm dữ liệu và máy chủ vật lý, bạn có thể tiếp cận các dịch vụ công nghệ, như năng lượng điện toán, lưu trữ và cơ sở dữ liệu, khi cần thiết, từ nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon, Google hay Microsoft.
Việc chuyển đổi từ các giải pháp tại chỗ sang giải pháp đám mây là quá trình triển khai dần dần từng bước và có nhiều lựa chọn, bao gồm đám mây tư nhân (private cloud), đám mây phức hợp (hybrid cloud), đám mây công cộng (public cloud). Điện toán đám mây lại có thể chia ra thành ba mô hình: SaaS (mô hình phân phối dịch vụ phần mềm), IaaS (mô hình cho thuê cơ sở hạ tầng) và PaaS (mô hình cho thuê nền tảng hoàn chỉnh).
Đám mây mang đến những lợi ích nào cho khu vực công?
Xây dựng giải pháp dịch khu vực công bằng nguồn lực và công cụ điện toán đám mây mới nhất bảo đảm chính phủ có thể thu hút và giữ chân nhân tài, những người có đủ kiến thức và mong muốn phục vụ trong khu vực công. Duy trì một nền tảng công nghệ cũ kỹ, lạc hậu sẽ làm giảm động lực, làm chất lượng dịch vụ công đi xuống so với các khu vực khác.
So với khu vực tư nhân, lợi ích của đám mây với khu vực công có chút khác biệt. Tuy nhiên, điểm chung của nó là tăng cường mức độ hiệu quả và giảm thiểu chi phí. Không cần phải mua phần cứng đắt tiền, không mất tiền bảo trì, chỉ cần các thiết bị văn phòng cơ bản như máy tính bàn hay máy tính xách tay. Nó giải phóng các tổ chức khỏi chi phí vốn nặng nề cũng như các vòng đời sản phẩm ngắn ngủi. Trong môi trường đám mây, hầu hết các chi phí là chi phí vận hành nhưng quy mô là vô tận. Nó đặc biệt hữu ích trong những đợt cao điểm.
Vận hành nền tảng đám mây phi tập trung cũng giúp cải thiện tính di động của lực lượng lao động. Dịch Covid-19 chỉ ra đây là yếu tố cần thiết của môi trường làm việc hiện đại và sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tương lai. Thực tế, chỉ riêng năng lực này cũng là động lực lớn để các tổ chức không còn băn khoăn khi chuyển lên đám mây. Khi nhân viên có thể truy cập tài liệu và tài sản của cơ quan từ xa một cách an toàn, bên trong một nền tảng cộng tác, các cơ quan chức năng vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động tốt ngay cả khi gặp vấn đề về địa điểm.
Duy trì hoạt động chỉ là một trong nhiều lợi ích của đám mây. Đám mây còn đóng vai trò không nhỏ để thế giới phục hồi sau thảm họa, đặc biệt trong các khu vực có nguy cơ cao trước các hiện tượng như động đất, sóng thần… Chẳng hạn, các trận lũ lụt tại Anh những năm gần đây gây gián đoạn dịch vụ và thiệt hại cơ sở vật chất nghiêm trọng. Song, với đám mây, ít dữ liệu bị thất thoát dù trong những kịch bản tồi tệ nhất.
Cuối cùng, an toàn dữ liệu có thể áp dụng trên toàn bộ bộ máy, tự động áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc cho tất cả người dùng, dịch vụ. Ví dụ, tại Anh, yêu cầu tối thiểu của Chính phủ Anh bao gồm mã hóa dữ liệu trao đổi TLS v1.2 cũng như quét tất cả ứng dụng để tìm lỗ hổng bảo mật phổ biến. Xác thực nhiều lớp cũng là yêu cầu bắt buộc tại những nơi có hỗ trợ kỹ thuật và quản trị các bản vá bảo mật.
Thách thức ngăn khu vực công “lên mây”
Thiết lập các chính sách cân bằng được nhu cầu bảo vệ dữ liệu và nhu cầu luân chuyển dữ liệu an toàn là một thách thức không nhỏ của các nhà hoạch định chính sách. Một số chính phủ đặt ra các hạn chế, chẳng hạn địa phương hóa dữ liệu, làm ảnh hưởng đến việc ứng dụng đám mây. Số khác lại phát triển các chính sách bảo mật, kỹ thuật trùng lặp với các tiêu chuẩn quốc tế có sẵn, tạo ra các tầng chính sách phức tạp.
Sự cần thiết phải nâng cấp mô hình mua sắm và cơ cấu chi phí hiện tại cũng khiến khu vực công chậm ứng dụng đám mây. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chính phủ có thể muốn mua dịch vụ đám mây nhưng quy định mua sắm hiện hành lại không cho phép mua những mặt hàng có chi phí biến động như đám mây. Nâng cấp chính sách ấy đòi hỏi thay đổi về quy định pháp luật, cần thời gian dài để đệ trình và thông qua.
Hơn nữa, nhân sự công nghệ thông tin trong khu vực công cần phải bắt đầu lại quy trình đánh giá chi phí và thiết kế hệ thống. Không phải ai cũng có đủ năng lực và khi đó, lại cần tới nguồn lực từ bên ngoài.
Để có thể ứng dụng đám mây trong khu vực công tốt hơn, đầu tiên, các chính phủ nên thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ ứng dụng đám mây. Chúng bao gồm hạn chế các chính sách địa phương hóa dữ liệu; đặt ra cơ chế truyền dữ liệu xuyên biên giới; thi hành khuôn khổ phân loại dữ liệu để quản lý từng loại dữ liệu khác nhau; tạo hệ thống đám mây liên thông cho chính phủ. Tiếp theo, chính phủ nên vạch ra chiến lược đám mây và kế hoạch thực hiện rõ ràng, trong đó có thông tin chi tiết về cách tiếp cận, chuyển đổi hay thực hành. Cuối cùng, chính phủ nên hỗ trợ địa phương trên hành trình ứng dụng đám mây, điều này có thể đạt được thông qua chỉ định hay thành lập một bộ phận/trung tâm đám mây chuyên biệt cũng như một “chợ” để mua sắm giải pháp đám mây.
Chuyển đổi từ các giải pháp tại chỗ sang đám mây có thể gây ra chi phí trong ngắn hạn nhưng lại mang đến những lợi ích vô tận về lâu dài. Bất kỳ tổ chức nào, dù là khu vực công hay tư nhân, cũng không nên bỏ qua những lợi thế mà điện toán đám mây mang lại trong tương lai.
Du Lam
Thanh toán số mảng dịch vụ công tăng trưởng mạnh
Quý 2/2022, các giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua Payoo tăng gấp 3 lần về giá trị so với quý trước.