Bán ô tô cũ giấy tờ giả, dân buôn phân bua mình chỉ là người bị hại
Sau khi phản ánh trường hợp của anh Mai Thanh Xuân (phường Đông Sơn,ánôtôcũgiấytờgiảdânbuônphânbuamìnhchỉlàngườibịhạhọp báo sau trận đấu Bỉm Sơn, Thanh Hóa) "mua ô tô cũ dùng 2 năm bỗng dưng bị ngân hàng tịch thu" vì xe bị chủ cũ gán nợ",PV VietNamNet đã liên lạc với ông Lê Mạnh Tưởng, người đã bán xe cho anh Xuân để tiếp tục tìm hiểu sâu hơn.
Người bán hàng này bày tỏ: "Nói thật, tôi cũng chỉ là người viết giấy bán xe (Hyundai Grand i10 - PV) hộ cho đứa em, còn chiếc xe là đứa em mua của người khác. Tôi không trực tiếp đi mua cái xe này nên không biết ra làm sao."
Ông Tưởng cho biết, đang đợi phía cơ quan công an xác minh điều tra thêm. Tuy nhiên, khi đề nghị gặp trao đổi trực tiếp, người này cáo bận và nói, không có mặt ở cửa hàng.
Trong khi đó, anh Mai Thanh Xuân chia sẻ, ông Tưởng đang có dấu hiệu thoái thác, trốn tránh trách nhiệm.
Anh cho biết, kể từ tin nhắn và cuộc gọi cuối cùng vào ngày 5/8 (trước khi anh gửi đơn tố cáo tới công an quận Nam Từ Liêm), nửa tháng nay, ông Tưởng không liên lạc lại để hỗ trợ anh đòi quyền lợi khi đã bán xe cắm ngân hàng cho anh.
Anh Xuân bức xúc nói: "Khi tôi yêu cầu anh Tưởng phải có trách nhiệm với chiếc xe bán ra thì anh ấy thoái thác, nói rằng phải chờ để đi tìm chủ cũ đối chất. Nhưng tôi mua xe từ anh Tưởng chứ có mua của người khác đâu. Tôi cần trách nhiệm đền bù của người bán xe trực tiếp cho mình. Đến khi tôi nói sẽ gửi đơn lên công an thì anh Tưởng tỏ thái độ bất cần, bảo tôi muốn làm gì thì làm."
Nhắn tin với anh Xuân, người bán hàng này còn giãi bày rằng mình cũng chỉ là người bị hại.
Lần theo thông tin từ anh Mai Thanh Xuân cung cấp, PV VietNamNet đã đến địa chỉ 86 Dương Đình Nghệ (Hà Nội)- địa điểm bán hàng của ông Lê Mạnh Tưởng mà anh Mai Thanh Xuân đã gặp và trao đổi.
Tuy nhiên, địa chỉ này là một khu đất dự án chờ xây dựng, có nhiều cửa hàng cây cảnh và bán ô tô dựng tạm chứ không phải là một showroom ô tô cũ có biển hiệu rõ ràng như thường thấy ở các phố mua bán ô tô. Đồng thời, cửa chính của khu đã khóa, bên trong vẫn lưu chứa một số ô tô.
Theo một người bán cây cảnh gần đó, vài ngày nay, cửa hàng bán xe, thực chất là một "bãi chứa xe cũ" vẫn có người ra vào giao dịch nhưng cửa không để mở như trước.
Khác với hình ảnh "showroom ô tô" đóng cửa kín mít, trên mạng xã hội Zalo, ông Lê Mạnh Tưởng vẫn đều đặn đăng bài rao bán xe, tìm kiếm tương tác.
Như VietNamNet đã phản ánh, năm 2020, anh Mai Thanh Xuân mua chiếc Hyundai Grand i10 đời 2014 với giá 185 triệu từ người bán là ông Lê Mạnh Tưởng. Sau 2 năm sử dụng, ngày 2/8, anh Xuân bất ngờ bị nhân viên ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) đến tịch thu xe.
Lý do là vì chiếc xe này là tài sản đảm bảo cho 1 khoản vay 300 triệu đồng từ năm 2019. Người vay là Đỗ Thị Thu Hảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cũng chính là chủ sở hữu theo giấy đăng ký xe. Cơ quan công an xác nhận, giấy đăng ký xe anh Xuân đang sở hữu là giấy tờ giả.
Đáng tiếc rằng, sau khi mua xe, anh Xuân không làm thủ tục chuyển nhượng sang tên. Giao dịch mua xe chỉ thực hiện bằng giấy viết tay giữa ông Tưởng và anh Xuân. Cũng trong 2 năm sử dụng xe, anh Xuân vẫn đi làm thủ tục đăng kiểm xe và các trạm đăng kiểm cũng không phát hiện ra giấy tờ xe là giả.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Bùi Văn Ngọc, một dân buôn bán ô tô chuyên nghiệp ở Hà Nội chia sẻ: "Trường hợp mua phải ô tô gán nợ ngân hàng, bị lừa dùng giấy tờ giả xảy ra khá phổ biến. Người mua xe không cẩn trọng và thiếu kinh nghiệm rất dễ dính phải bẫy lừa này".
"Bản thân tôi cách đây vài tháng cũng suýt gặp phải cú lừa như vậy. Một người trong Nghệ An chào bán chiếc Hyundai Tucson màu đỏ đời 2019, giá rất rẻ, chỉ có 650 triệu đồng. Đề nghị người này gửi hình ảnh cho xem các giấy tờ xe thì không gửi đủ, nhưng lại liên tục giục tôi chuyển khoản đặt cọc. Tôi tra cứu thì phát hiện, xe này đang cắm nợ ngân hàng", anh Ngọc nói.
Anh cho biết, người dân mua ô tô bình thường nếu ham giá rẻ sẽ rất dễ bị dính. Người bán thì dùng chiêu trò tâm lý để kích người mua mau chóng đặt cọc. Chiêu phổ biến nhất là người bán sẽ nói "đang có người khác rất muốn mua, nếu không đặt cọc này thì mất cơ hội". Phổ biến nhất là sau khi chuyển khoản, kẻ bán xe lừa đảo có thể "lặn mất tăm", người mua xe bị mất trắng tiền cọc hoặc mua phải xe lậu, xe gán nợ ngân hàng dùng giấy tờ giả như trường hợp của anh Xuân.
Trường hợp của anh Mai Thanh Xuân cũng có nhiều điểm giống với vụ "Mất gần 800 triệu mua Ford Ranger, khóc ròng phát hiện xe cắm ngân hàng"của anh Dương Văn Nam (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), đã gửi đơn cầu cứu tới báo VietNamNet hồi tháng 11/2019.
Chiếc Ford Ranger Wildtrak đời 2017 anh Nam mua của cửa hàng Thọ Hương Auto (161 Cách Mạng Tháng 8, Phan Đình Phùng, Thái Nguyên) bị nghi ngờ dùng đăng ký giả vì trước khi bán cho anh Nam, xe đã bị cầm cố ở ngân hàng VPBank, không thể làm thủ tục sang tên đổi chủ. Người chủ cửa hàng là ông Nguyễn Chí Thọ đã thoái thác trách nhiệm và tự nhận mình cũng là nạn nhân mua phải xe cắm ngân hàng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, khi nhận thế chấp chiếc xe ô tô, ngân hàng sẽ phải giữ lại bản Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông gốc và chỉ cấp cho người vay Giấy biên nhận giữ bản cà vẹt gốc, thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện, công an quận Nam Từ Liên đã tiếp nhận đơn tố cáo của anh Mai Thanh Xuân và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xác minh.
PHẢN ÁNH NÓNG VỀ XE CỘ Người dùng xe đang gặp phải các vướng mắc, sự cố liên quan đến xe, hãy chia sẻ về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Nội dung phản ánh gửi tới cần đề rõ Họ và tên, địa chỉ và số điện thoại, các hình ảnh, video đi kèm. Xin cảm ơn! |